banner
Thứ 3, ngày 26/11/2024
Một số Kết quả của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khoá XIV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại kỳ họp
22-6-2017
Sáng ngày 21/6/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV, kỳ họp diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 22/5 đến trưa ngày 21/6/2017. Tại kỳ họp này Quốc hội đã tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Một số Kết quả của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khoá XIV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại kỳ họp
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật

1. Về công tác lập pháp, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian Kỳ họp để xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật.

Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật về tư pháp, quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội... 12 luật được Quốc hội thông qua là: Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Du lịch; Luật Đường sắt; Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cảnh vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Trong đó:

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định hệ thống biện pháp hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách hỗ trợ chung cũng như hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi, bổ sung các quy định cho phép cơ quan nhà nước khi chưa sử dụng hết công suất của hội trường, phương tiện vận tải thì cho cơ quan nhà nước khác sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí; các đơn vị sự nghiệp công được sử dụng tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước nhưng không sử dụng hết công suất để kinh doanh nhằm tránh lãng phí, giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, cấm hành vi sử dụng không đúng quy định xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng.

Luật Trợ giúp pháp lý được sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới quan trọng như: mở rộng về đối tượng được trợ giúp pháp lý; thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật cũng như của các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý; nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý tương đương với tiêu chuẩn của luật sư; đơn giản hóa các thủ tục, đa dạng hóa hình thức yêu cầu, địa điểm để người dân dễ dàng tiếp cận được trợ giúp pháp lý...

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau khi được sửa đổi, bổ sung đã mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong từng lĩnh vực để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của các luật mới. Quy định rõ hơn trách nhiệm giải quyết bồi thường của các cơ quan trong từng lĩnh vực. Bổ sung các quy định để bảo đảm tốt hơn quyền của người bị thiệt hại. Cải cách, đơn giản hóa thủ tục giải quyết bồi thường, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường (từ khoảng 125 ngày như hiện nay xuống còn 41 đến 71 ngày).

Luật Du lịch đã sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch; bảo đảm quyền của khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; quản lý nhà nước về du lịch, trong đó phân quyền mạnh hơn cho các địa phương trong quản lý nhà nước về du lịch.

Luật Thủy lợi quy định cụ thể và toàn diện các vấn đề trong hoạt động thủy lợi; các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi. Đồng thời, giao Chính phủ lộ trình chuyển đổi cơ chế thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi để bảo đảm tính khả thi, không gây xáo trộn lớn trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và đời sống người nông dân.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định cụ thể, chi tiết một số nội dung như: trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và người được trang bị quản lý, sử dụng vũ khi, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; các trường hợp nổ súng quân dụng trong khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; hành vi bị nghiêm cấm... nhằm hạn chế tối đa việc lạm dụng quyền hạn của người được trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã cơ bản khắc phục được những những sai sót về kỹ thuật, những quy định bất hợp lý của Bộ luật hình sự năm 2015, Đồng thời, bổ sung một số điều luật mới như: Tội kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp; mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324) để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới và xử lý một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn sau khi Bộ luật hình sự năm 2015 được thông qua. Đồng thời đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự.

Để nâng cao chất lượng hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý kiến.

Riêng đối với dự án Luật Quy hoạch, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp thứ 3 do dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017).

Thao luận Tổ 17 gồm đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Kon Tum, Quảng Ngãi, Gia Lai

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh giải quyết vấn đề nợ xấu, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng. Việc xử lý nợ xấu bảo đảm các nguyên tắc: công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong xử lý nợ xấu, để xảy ra nợ xấu. Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào và Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhằm xác định rõ đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào cả trên phương diện pháp lý và trên thực địa; tạo điều kiện cho Việt Nam và Lào xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và cùng phát triển, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình năm 2017 được quy định theo hướng mở, cho phép bổ sung những dự án chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước vào Chương trình kỳ họp sau theo quyết định của Quốc hội.

Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 06 dự án luật Quy hoạch; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn  bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành lâm nghiệp, thủy sản; tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương… Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

Quốc hội đã giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp có kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

2. Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng:

Về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước: vay trong nước là 195.900 tỷ đồng; vay ngoài nước là 67.235 tỷ đồng. Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Lê Hồng Quang và ông Nguyễn Văn Tiến để kịp thời bổ sung nhân sự nhằm tăng cường hoạt động và hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Võ Kim Cự thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.

3. Về giám sát tối cao:

Về xem xét các báo cáo của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về kinh tế-xã hội, Quốc hội đã tập trung đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân những mặt đạt được cũng như những yếu kém, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017… Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch cả năm 2017.

Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành với  những kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý. Giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định... Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong một số ngành, lĩnh vực; phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức nước ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang biến động phức tạp, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến khó lường.

Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành để có giải pháp sát thực, hiệu quả hơn trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng còn lại của năm 2017 nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của các cơ quan của Quốc hội; các báo cáo về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thực hiện bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; công tác bảo vệ môi trường.

Về giám sát chuyên đề, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Đây là nội dung giám sát rất quan trọng, liên quan đến tình hình an toàn thực phẩm rất bức xúc hiện nay, được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm.

Quốc hội đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Hệ thống văn bản pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện; công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành đạt nhiều kết quả tích cực; quản lý, sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến đáng kể; việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn thực phẩm an toàn có tiến bộ; việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đã được coi trọng… Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém như: bộ máy quản lý an toàn thực phẩm còn một số bất cập; tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến; công nghệ chế biến lạc hậu; tình hình ngộ độc thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa bảo đảm tính răn đe…

Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có biện pháp bảo đảm thực thi Nghị quyết, có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém trong quản lý an toàn thực phẩm, để mỗi người dân được ăn sạch, uống sạch, không lo sợ thực phẩm mất an toàn, ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ hàng năm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, trên cơ sở cân nhắc thận trọng, bám sát thực tiễn, phân tích kỹ những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội đang được cử tri đặc biệt quan tâm, Quốc hội đã quyết định chương trình hoạt động giám sát năm 2018, đồng thời thành lập Đoàn giám sát để triển khai thực hiện. Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” tại kỳ họp thứ 5. Đồng thời, giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ 3, đã có 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 114 phiếu chất vấn với 127 câu hỏi[1] chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Với thời gian 03 ngày (tăng 0,5 ngày so với các kỳ họp trước), Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam và Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo, giải trình thêm về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nội dung chất vấn là những vấn đề quan trọng, nội cộm, bám sát tình hình thực tế, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Đã có hơn 196 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bức xúc của đời sống, đặc biệt, tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ và các vị đại biểu khác để làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và có giải pháp khắc phục. Các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vào nội dung được hỏi, không né tránh những vấn đề phức tạp; thẳng thắn nhận trách nhiệm, đưa ra giải pháp và thể hiện sự quyết tâm làm chuyển biến tình hình trong thời gian tới.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.

4. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội cũng đã tiến hành một số hoạt động đối ngoại quan trọng nhằm tăng cường và mở rộng các hoạt động song phương với nghị viện các nước, góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao nghị viện, thông qua đó, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước nói riêng và Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước trên thế giới nói chung. Đã có 2 Đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Cuba và Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Haiti dẫn đầu đến thăm và làm việc với Quốc hội nước ta; đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez đã có bài phát biểu xúc động trước Quốc hội Việt Nam về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước, về đất nước và con người Việt Nam.

5. Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV gồm 06/06 đại biểu, do đồng chí A Pớt, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn. Tại kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hoạt động tích cực và tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội. Với tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân cả nước nói chung, với cử tri tỉnh Kon Tum nói riêng, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tập trung trí tuệ, nghiên cứu, tham gia 54 ý kiến có chất lượng cao tại các buổi thảo luận ở Tổ và ở Hội trường.

Tại các phiên thảo luận ở hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 06 lượt phát biểu với 18  ý kiến tham gia đối với các nội dung: Các Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quy hoạch; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Tại các phiên thảo luận tại Tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 09 lượt phát biểu với 36 ý kiến tham gia đối với các nội dung: về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng,  Luật tố cáo (sửa đổi), Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi),  Luật Thủy sản (sửa đổi).

Về công tác dân nguyện, Tại kỳ họp Đoàn ĐBQH tỉnh đã phản ánh lên Quốc hội 07 ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông Vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt nam.

Ngoài các phiên họp chính thức, trong thời gian diễn ra kỳ họp các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia các hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Đoàn ĐBQH một số tỉnh và một số Bộ ngành Trung ương./.

 

 

Hồ Nam VPĐĐBQH  
Tin liên quan:
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV
Icon Những vấn đề cần hoàn thiện trong phần chung của bộ luật hình sự.
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum điều chỉnh thời gian tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp 3 - Quốc hội khóa XIV của Tổ 1
Icon Một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong Quý I/2017
Icon VỀ VẤN ĐỀ VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LUẬT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA.
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia 2 Dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Icon Tham gia ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự
Icon Hoạt động trong tháng 4/2017 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp 3 - Quốc hội khóa XIV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE