Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016
29-5-2018
Ngày 28/5/2018, Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám và 26 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu, 10 đại biểu tham gia tranh luận. Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số vấn đề có liên quan mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khá đầy đủ, kịp thời hơn so với giai đoạn trước, nội dung các văn bản pháp luật có tính bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng văn bản từng bước được nâng lên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm vai trò chỉ đạo, giám sát của nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.
Về kết quả hoạt động, mặc dù gặp nhiều khó khăn và bị tác động mạnh do biến động lớn về tình hình thị trường, về giá cả, về rủi ro tài chính khi xảy ra khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2012 nhưng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Doanh nghiệp nhà nước vẫn là một lực lượng vật chất có tiềm lực mạnh về tài chính, nắm giữ tài nguyên, đất đai, thương hiệu, lực lượng lao động và có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý hùng hậu. Những doanh nghiệp nhà nước chiếm 100% vốn được duy trì, phát triển là những doanh nghiệp có quy mô lớn, tính chất chuyên môn cao, hoạt động trong lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu lớn thực sự là lực lượng quan trọng, thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, thực hiện được các mục tiêu chính trị xã hội của Đảng và Nhà nước. Đối với doanh nghiệp nhà nước có một phần vốn góp, việc thực hiện thoái vốn nhà nước, thu hồi vốn nhà nước đạt được một số kết quả nhất định… Tuy nhiên còn không ít những hạn chế, yếu kém như vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, vi phạm nguyên tắc thị trường, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính diễn ra ở các mức độ khác nhau và khá phổ biến ở những doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, làm giảm uy tín của doanh nghiệp nhà nước… Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ thêm vấn đề quản lý đất đai tại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài, đời sống, quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp và việc khắc phục các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước có thua lỗ lớn trong thời gian tới. Cần tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục tập trung chỉ đạo hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc cơ chế thị trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Giá cổ phần xác định theo cơ chế thị trường đảm bảo sát giá thị trường thông qua đấu giá công khai, minh bạch, nhất là việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về cổ phần hóa; Về giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp; Về tăng cường, chỉ đạo thanh tra, kiểm soát trong thực hiện cổ phần hóa;…. Theo đại biểu Tô Văn Tám, Cử tri và dư luận vẫn rất lo ngại sự trục lợi, lợi ích nhóm, những quan hệ không rành mạch trong định giá, hay việc thông thầu khi đấu giá trong quá trình thực hiện cổ phần hóa dẫn đến thất thoát, thiệt hại tài sản của nhà nước hay tình trạng đẩy giá mua bán doanh nghiệp nhà nước, làm nhà nước thiệt hại khi mua cổ phần, đã có trường hợp như vậy và trường hợp này đã và đang được xử lý. Bởi vậy, Chính phủ cần thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật về cổ phần hóa để bịt kín các lỗ hổng, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý.
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tăng cường, chỉ đạo thanh tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, loại trừ sự tùy tiện, trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện cổ phần hóa cũng như phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục các bất cập, tồn tại, hạn chế trong cổ phần hóa để tiến trình thực hiện cổ phần hóa tốt hơn./.