Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh có 18 quỹ tài chính ngoài nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập với quy mô, tính chất và phạm vi hoạt động trên địa bàn đảm bảo phù hợp, tuân thủ đúng các quy định. Các quỹ tài chính ngoài nhà nước được đánh giá quản lý, bảo tồn nguồn vốn, nguồn thu, huy động vốn đúng quy định; là kênh tài chính, tín dụng hỗ trợ thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo và hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, với tổng nguồn thu và triển khai thực hiện hơn 16.000 tỷ đồng.
Trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách còn hạn chế, một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp huy động đóng góp tài chính, vật chất của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài tỉnh để bổ sung nguồn lực cho Quỹ; qua đó thúc đẩy quá trình xã hội hóa, động viên thêm được nguồn tài chính trong xã hội phục vụ cho một số mục tiêu của cộng đồng hoặc của ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN thuộc nhóm quỹ xã hội, từ thiện được hình thành đã có những đóng góp tích cực trong việc vận động, kêu gọi các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, tài trợ về tài chính, hiện vật nhằm mục đích hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo… từng bước ổn định đời sống về vật chất và tinh thần; hỗ trợ cho các đối tượng người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…sớm hòa nhập cuộc sống cộng đồng, vượt lên khó khăn…
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nguồn vốn hoạt động của các quỹ này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn đối ứng với các dự án đòi hỏi vốn lớn; thời gian thu hồi vốn dài và nguồn thu phí ứng vốn thấp, chậm thu, ảnh hưởng đến hoạt động của quỹ gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ…. Bên cạnh đó, bộ máy điều hành của các quỹ chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, dẫn đến chất lượng hoạt động chưa cao. Nguồn lực huy động từ bên ngoài hàng năm còn thấp, công tác vận động, kêu gọi ủng hộ các quỹ xã hội, từ thiện chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào từng đợt, tháng cao điểm trong năm…
Tại buổi làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiến nghị để đảm bảo hoạt động có hiệu quả các quỹ tài chính ngoài ngân sách, nâng cao tính độc lập, khả năng tự cân đối của các quỹ và hạn chế nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đề nghị Trung ương hạn chế hoặc không qui định thành lập thêm các quỹ không có khả năng huy động, độc lập về tài chính. Theo từng thời kỳ, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương thường xuyên rà soát, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bãi bỏ những quy định của pháp luật không còn phù hợp, bổ sung những quy định mới làm cơ sở cho địa phương tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng các quỹ ngoài ngân sách ngày càng đi vào nền nếp.
Trong đó, đối với Quỹ đầu tư phát triển có giải pháp phát triển đồng bộ về tổ chức bộ máy và mối liên kết hoạt động trong hệ thống Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Cho phép Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ngoài việc cho vay, đầu tư các dự án theo lĩnh vực kết cấu hạ tầng thì được cho vay, đầu tư các dự án thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, để góp phần hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế, đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc xử lý đối với các chủ đầu tư có dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp không chấp hành việc nộp tiền trồng rừng thay thế và các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng không chấp hành việc nộp tiền lãi phát sinh do chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định; Xem xét đối với các khoản tiền lãi chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng phát sinh trước khi Nghị định số 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có hiệu lực. Đối với Quỹ bảo trì đường bộ, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương hàng năm nâng mức phân bổ cho Kon Tum để tiếp tục sửa chữa, bảo trì các tuyến đường của địa phương hiện đang xuống cấp chưa có nguồn cải tạo sửa chữa...
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí A Pớt, Trưởng đoàn giám sát đã ghi nhận kết quả điều hành, hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2018. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét, đánh giá cụ thể hoạt động của các quỹ để có giải pháp chỉ đạo, sắp xếp phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ và sử dụng nguồn vốn hoạt động của các quỹ…/.