banner
Thứ 6, ngày 27/12/2024
Khai mạc kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV
22-10-2019
Sáng ngày 21/10/2019 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8. Kỳ họp này của Quốc hội bắt đầu từ ngày 21/10 và dự kiến kết thúc ngày 27/11/2019.
Khai mạc kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV
Khai mạc kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV

Tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung xem xét, quyết định các nội dung quan trọng sau đây: Thứ nhất, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đồng thời, xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 04 dự thảo nghị quyết (Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia, Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội). Việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Nhân dân và xã hội quan tâm, các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…

Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về 09 dự án luật khác (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)) nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; củng cố quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước. Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, công tác nhân sự và quyết định một số vấn đề quan trọng khác...

Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp

Trong buổi sáng ngày 21/10/2019, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này. Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, năm 2019 là một năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra; là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (7 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch); Kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện; Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP; Chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh; Chính sách tài khóa được thực hiện quyết liệt, thu NSNN, NSTW vượt dự toán, cân đối NSNN được bảo đảm, tỷ lệ bội chi NSNN và nợ công so với GDP giảm; Cơ cấu lại nền kinh tế chuyển dịch tích cực, thực chất hơn, năng suất lao động tiếp tục được cải thiện; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 52-53% số xã đạt chuẩn, hoàn thành trước hạn gần 2 năm; Đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện; Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, quan hệ đối ngoại phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu.

Sau đó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp thứ 8 gồm 6/6 đại biểu do đồng chí A Pớt, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn./.

Hồ Nam-VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Icon VẤN ĐỀ TUYỂN DỤNG TRONG DỰ THẢO LUẬT CÁN BỘ CÔNG CHỨC
Icon VẤN ĐỀ THU HÚT TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI TRONG SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC.
Icon VẤN ĐỀ TỔ CHỨC CHO PHẠM NHÂN LAO ĐỘNG TRONG LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ (Sửa đổi)
Icon Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2019 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon Họat động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum 6 tháng đầu năm 2019
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Icon MẤY VẤN ĐỀ TRONG QUÁ TRÌNH SỬA ĐỔI LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ.
Icon PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM - VẤN ĐỀ BỨC THIẾT
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE