* Về công tác giám sát, khảo sát, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đã tiến hành giám sát 3 chuyên đề về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 và Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đoàn đã phối hợp, tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 tại tỉnh Kon Tum. Đề xuất 3 vấn đề cần chất vấn tại kỳ họp thứ 7 (Các giải pháp đột phá nhằm thực hiện chiến lược “tam nông” trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Các biện pháp thị trường căn cơ để chấm dứt tình trạng giải cứu nông sản. Các giải pháp thúc đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả, tránh thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa - các giải pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả các loại quỹ ngoài ngân sách nhà nước. Việc nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thực trạng và các giải pháp phòng ngừa, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh không nhiễm khuẩn. Vấn đề y tế); Tích cực tham gia hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội (Chất vấn trực tiếp 2 lượt tại Hội trường với 01 ý kiến đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và 01 ý kiến đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính 01 ý kiến và Chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước 01 ý kiến). Các đại biểu Quốc hội là thành viên của các Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tích cực tham gia các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại một số tỉnh khác theo kế hoạch của Đoàn giám sát.
Hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội đã hoàn thành tốt theo chương trình, kế hoạch đề ra, có tác dụng thực sự, đã chỉ rõ các mặt ưu điểm, đồng thời có kiến nghị khắc phục những khuyết điểm, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh về pháp luật, cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành công việc của địa phương, của ngành. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững vấn đề, thực hiện giám sát, khảo sát có hiệu quả, từ đó có điều kiện thực hiện tốt hơn quyền chất vấn và giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
* Về công tác xây dựng pháp luật và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng khác, Trước kỳ họp thứ 7, theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân trong tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào 5 dự án luật (Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật đầu tư công (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia 17 lượt phát biểu với 63 ý kiến (8 lượt phát biểu với 33 ý kiến tại Hội trường, 9 lượt phát biểu với 30 ý kiến tại Tổ) về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020;... Các dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Bộ luật Lao động (sửa đổi);... Tiến hành 1 lần thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Các đại biểu là thành viên của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến, thẩm tra các dự án luật, nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc và Uỷ ban.
* Về công tác tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thành phố để báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình và kết quả của kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XIV; Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội thông qua, cho ý kiến, động viên cử tri chấp hành pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội; thông báo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh; nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp và kiến nghị của cử tri với Trung ương, với tỉnh.
Tại các buổi tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp, Lãnh đạo các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải trình ngay các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; đồng thời thông báo, giải thích cho cử tri biết những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời. Đối với những vấn đề chưa được trả lời trực tiếp cho cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp, phản ánh lên Quốc hội và UBND tỉnh Kon Tum xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật.
* Trong 6 tháng đầu năm 2019, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức 6 buổi tiếp công dân (định kỳ chiều thứ 5 tuần đầu tiên hàng tháng) tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp 2 buổi/4 lượt công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 39 đơn, thư các loại của công dân trong và ngoài tỉnh (trong đó có 9 đơn tố cáo và 30 đơn kiến nghị, phản ánh, thỉnh cầu), qua xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hướng dẫn, trả lời công dân 06 đơn; chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết 12 đơn; lưu 21 đơn không đủ điều kiện xử lý (đơn thư được gửi nhiều lần nội dung trùng lắp, đơn gửi nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan có thẩm quyền; đơn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cả nước;...). Đến nay 7/12 đơn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý và trả lời.
* Đoàn luôn duy trì, củng cố mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh theo luật định. Giữ mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh bạn./.