VẤN ĐỀ TỔ CHỨC CHO PHẠM NHÂN LAO ĐỘNG TRONG LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ (Sửa đổi)
16-7-2019
Luật thi hành án hình sự đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong quá trình xem xét thông qua có nhiều vấn đề được mổ xẻ tranh luận gay gắt để đi đến thống nhất, trong đó có vấn đề đưa phạm nhân đi lao động, về vấn đề này chúng ta thấy rằng, chính sách nhất quán của nhà nước ta từ trước tới nay là: Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Do đó đối với người bị phạt tù thì lao động học tập bao gồm cả học nghề, là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù, việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động, sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam, vì vậy công tác tổ chức lao động cho các phạm nhân, nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn uống, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả.
Hiện nay cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, nhất là về giao thông, phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung, có diện tích đất rất hạn chế, phân tán thổ nhưỡng xấu, khó khăn trong việc sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân, lao động trong các trại giam từ trước tới nay vẫn chủ yếu chỉ làm nông nghiệp, mang tính tự cấp tự túc, năng suất, hiệu quả lao động và các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là thấp, nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam, điều này đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Để giải quyết tình trạng trên thời gian qua các trại giam đã liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm cho phép các trại giam tổ chức khu sản xuất và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các điểm lao động ngoài trại giam, tiêu chí để lựa chọn các phạm nhân ra ngoài lao động gồm loại tội phạm, mức án thời gian phải chấp hành hình phạt tù còn lại, nhân thân, thái độ chấp hành án, giới tính, sức khỏe… trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn khu vực phạm nhân lao động, và cũng đã đạt được những kết quả tốt, bởi vậy việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho phạm nhân có thể tham gia lao động và phù hợp với khả năng cho phép của các trại giam, tuy nhiên đây là vấn đề mới liên quan đến các yếu tố trật tự trị an, vấn đề bản chất của hình phạt tù vv.. vậy nên dự thảo luật mới chỉ luật hóa có tính nguyên tắc là bổ sung nội dung quy định, cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân theo nguyên tắc:
Trại giam chịu trách nhiệm về đảm bảo an ninh an toàn, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động. Việc phối hợp tổ chức sản xuất, lao động không đầu tư từ ngân sách nhà nước. Kết thúc quá trình lao động việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân cần được quy định rõ theo hướng: chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trong trường hợp phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động. Phạm nhân được gửi số tiền được nhận theo quy định cho người thân hoặc gửi trại giam quản lý, được sử dụng theo quy định hoặc được nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù./.