Qua giám sát cho thấy: Thời gian qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết nên phần lớn các chỉ tiêu đạt so với quy hoạch đến năm 2020, như: học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học Trung học cơ sở đạt 100%; số trường Tiểu học dạy ngoại ngữ và học sinh được học ngoại ngữ đạt 100%; 100% số xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng; huy động trẻ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 95,2% vượt quy hoạch (quy hoạch 90-95%). Công tác xây dựng cơ sở vật chất được quan tâm. Đến nay, có 5 Trường phổ thông Dân tộc bán đạt 100% quy hoạch; cơ sở vật chất đảm bảo cho bán trú hoạt động thuận lợi; chế độ học sinh dân tộc bán trú được chi trả đầy đủ.
Đội ngũ giáo viên được quan tâm bổ sung, tỷ lệ Giáo viên/lớp ở các cấp học tăng lên, đảm bảo trong khung việc làm và yêu cầu giảng dạy. Hàng năm UBND huyện đều rà soát và có kế hoạch đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng trường lớp, các công trình phụ trợ, bán trú, đến nay có 12 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Chất lượng học sinh trên địa bàn tăng qua từng năm...
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chưa đạt so với quy hoạch như: huy động trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ còn thấp chỉ đạt 9,47% (quy hoạch: 30%); số học sinh lớp 3; lớp 6; lớp 10 được học tiếng Anh chương trình mới đạt thấp (lớp 3 đạt 7,1%, quy hoạch: 45%; lớp 6 đạt 21%, quy hoạch: 25%); học sinh Tiểu học được học tin học đạt 61,1% (quy hoạch: 70%); học sinh Trung học cơ sở được học tin học đạt 69,2% (quy hoạch: 100%); đối với hoạt động dạy nghề thì chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm khó tuyển sinh, vận động học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở học nghề rất khó khăn. Học viên bổ túc đầu vào thấp, khó duy trì sĩ số lớp...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Kring Ba, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được về công tác giáo dục- đào tạo của huyện Đăk Glei trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo huy động trẻ ở các độ tuổi ra lớp; thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với hoàn thiện các tiêu chí về giáo dục đào tạo trong xây dựng nông thôn mới; có giải pháp thiết thực nhằm tăng số trường và số học sinh được học tiếng Anh theo chương trình mới; đầu tư phòng học và trang thiết bị đảm bảo dạy học tin học đạt hiệu quả; nâng chất lượng giáo dục thường xuyên; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo đối với học sinh là người dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn cấp mầm non và trên chuẩn đối với cấp Tiểu học, Trung học cơ sở theo Luật Giáo dục hiện hành.