banner
Chủ nhật, ngày 29/12/2024
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO
27-10-2021
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn luôn quan tâm chỉ đạo đảm bảo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Theo đó tình hình khiếu nại tố cáo năm 2021 có xu hướng giảm so với năm 2020, theo báo cáo của Chính phủ về khiếu nại giảm 19,3% số đơn và giảm 23,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền; về tố cáo giảm 35,1% số đơn và giảm 18,7% số việc thuộc thẩm quyền. Đáng chú ý là tỷ lệ khiếu nại về đất đai vẫn chiếm cao 64,6%, trong đó chủ yếu là khiếu nại về việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, giao đất dịch vụ và các dự án khu dân cư, khu du lịch, thương mại, chuyển đổi mô hình chợ, các dự án giao thông, quy hoạch xây dựng, đô thị...v.v Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nhà nước; Các vụ việc đông người, phức tạp, phần lớn thuộc lĩnh vực đất đai phát sinh từ nhiều năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm, hoặc là những vụ việc cơ quan nhà nước đã giải quyết hết thẩm quyền, thậm chí có vụ việc đã được kiểm tra, rà soát, giải quyết theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, nhưng công dân vẫn không đồng ý, tiếp tục khiếu nại, tố cáo với thái độ bức xúc, gay gắt, điều đó cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề.
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan của vấn đề, trong đó có nguyên nhân về thực thi pháp luật, nguyên nhân do chính sách pháp luật, nguyên nhân do công tác thanh tra, kiểm tra...v.v. Trong đó đáng chú ý là căn nguyên của nó là công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều yếu kém, vi phạm, một bộ phận cán bộ công chức chưa thực thi đầy đủ chức trách nhiệm vụ, hoặc thiên vị, thiếu công tâm trong thực thi công vụ, một số cơ quan, người có thẩm quyền thiếu quyết liệt, né tránh đùn đẩy trách nhiệm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức trách, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định... Đánh giá như vậy là thẳng thắn và khách quan tuy nhiên báo cáo cần làm rõ địa chỉ cụ thể của những bất cập, hạn chế nêu trên là ở lĩnh vực nào, cơ quan đơn vị, địa phương nào, bộ phận công chức nào, bởi vậy cần nghiên cứu bổ sung cho thật cụ thể, để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm khuyết điểm, giúp cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực sự có chuyển biến hơn nữa. Ngoài những nguyên nhân đã được đề cập trong báo cáo, cần nhìn nhận thêm các vấn đề như việc bố trí cán bộ công chức không đủ năng lực, phẩm chất đảm nhiệm việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tình trạng người đứng đầu khoán trắng việc giải quyết cho bộ phận tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo vv... cũng cần được phân tích đánh giá thêm.

Báo cáo của Chính phủ cũng đã thể hiện rõ quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo đó tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước đạt 76,3%, giảm 7,2% so với năm 2020, tỷ lệ như vậy là chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là trên 85%. Xét riêng về khiếu nại báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật cho thấy rằng, số lượng vụ việc khiếu nại năm 2021 chỉ bằng 76,5% so với năm 2020 và bằng 68,7% so với năm 2019, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết năm 2021 chỉ đạt 71,3% thấp hơn 14,4% so với năm 2020 và 10,6% so với năm 2019, như vậy tỷ lệ vụ việc khiếu nại được giải quyết đã giảm khá nhiều so với các năm trước. Mặt khác với việc 59% tổng số vụ việc tố cáo tiếp là hoàn toàn sai, có nghĩa là có 40,5% tổng số vụ việc tố cáo tiếp là có nội dung đúng, như thế có nghĩa là số vụ việc này giải quyết lần đầu chưa đúng... những vấn đề trên báo cáo cần phân tích bổ sung và làm rõ hơn nguyên nhân của vấn đề. Một vấn đề cũng cần được bổ sung làm rõ thêm đó là kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, để từ đó đánh giá những mặt tích cực cũng như hạn chế, vướng mắc, để góp phần thấy rõ hơn tính phù hợp hay chưa phù hợp của cơ chế tiếp nhận, giải quyết, xử lý đối với loại đơn thư này, từ đó có giải pháp bổ sung sửa đổi và hoàn thiện.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự Kỳ họp thư 2 Quốc hội Khóa XV
Icon Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri tại huyện Kon Rẫy
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2- Quốc hội khoá XV tại huyện Ngọc Hồi
Icon ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV TỈNH KON TUM TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI HUYỆN ĐĂKGLEI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 2.
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri huyện Sa Thầy
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ hai khóa XV
Icon Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại Tu Mơ Rông
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đăk Tô trước kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE