Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nghe Minh Hồng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Công thương; Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện và thành phố Kon Tum; các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, sau khi Đoàn giám sát thông qua các dự thảo báo cáo kết qủa giám sát; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiến hành thảo luận tham gia vào các dự thảo và ý kiến của các đồng chí trong Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh cho biết, đối với Nghị quyết số 64, đến nay, tỉnh đã thu hút và có 27 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) triển khai với tổng vốn đăng ký 6.996,182 tỷ đồng. Tỉnh đã quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nông nghiệp với diện tích đất cho thuê 889,71ha. Tổng giá trị sản phẩm nông lâm thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đạt 583,312 tỷ đồng trong tổng số 3.400 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010) giá trị sản phẩm nông lâm thuỷ sản toàn tỉnh, chiếm tỷ trọng 17,16%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (Kon Plông) với tổng diện tích 170 ha phát triển rau, hoa, củ, quả xứ lạnh để thu hút các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ đã đi vào hoạt động. Đã xác lập và công nhận 02 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí tại huyện Kon Plông và Đăk Hà; công nhận 02 doanh nghiệp đạt các tiêu chí để công nhận doanh nghiệp NN UDCNC là Công ty TNHH Việt Khang Nông (huyện Kon Plông) và Công ty TNHH sản xuất chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà); hình thành 139 cơ sở chế biến nông thủy sản, trong đó có 23 cơ sở chế biến nông sản quy mô vừa; 01 Nhà máy chế biến Rượu sim và nước giải khát sử dụng công nghệ của Pháp và Malaysia...Tuy vậy, quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ chưa phù hợp nên giá thành sản phẩm chế biến còn cao; thu hút đầu tư vào NNUDCNC chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; ứng dụng chuyển giao trong các khâu sản xuất, sơ chế và chế biến trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phục vụ phát triển NNUDCNC còn ít, phân tán, chưa đồng bộ nên chưa tạo giá trị gia tăng và sức cạnh tranh sản phẩm; dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” phục vụ phát triển NN UDCNC chưa đáp ứng yêu cầu đề ra mà nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách về đất đai, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ sản xuất... chưa khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển NN UDCNC; một số địa phương chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết.
Đối với Nghị quyết 09, báo cáo của UBND tỉnh cho biết, trong 3 năm, tổng vốn đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ dược liệu là 20,796 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 25 dự án dược liệu với tổng vốn đăng ký 6.921 tỷ đồng. Đến nay, các vùng trồng dược liệu tập trung dần được hình thành và phát triển về quy mô, nhất là ở 03 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm dược liệu đã được địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện. Đặc biệt là nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về dược liệu có chuyển biến tích cực. Hiện một số dự án lớn đã đi vào triển khai, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả đối với môi trường đầu tư và các mặt kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập tại cho Nhân dân quanh vùng, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, từ đó góp phần vào công cuộc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, diện tích trồng và phát triển dược liệu còn kiêm tốn so với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; sản xuất dược liệu nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chạy theo phong trào và thiếu bền vững; sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương chưa được quảng bá rộng rãi; việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay có xu hướng tập trung vào các loài thực phẩm chức năng và chưa có sự quan tâm, chú trọng đến phát triển các cây dược liệu làm thuốc khám chữa bệnh; sản phẩm dược liệu đang dừng lại ở mức độ xử lý thô ...mà nguyên nhân chính là nguồn lực đầu tư phát triển và chế biến dược liệu còn hạn chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải cho rằng xuất phát điểm của tỉnh còn thấp, dân trí còn hạn chế... nên việc phát triển NNUDCNC và việc trồng, chế biến dược liệu gặp những khó khăn. Mặc dù vậy, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 64 và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09 đã tạo ra cơ sở ban đầu để chúng ta tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện các chủ trương này trong thời gian tới theo đúng chủ trương của Tỉnh ủy.
Để thực hiện các chủ trương này, đồng chí cho rằng từ những kết quả đạt được và những việc chưa đạt được, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong thời gian qua. Từ đó, cần phải kiên quyết, kiên trì, không nóng vội mà cần phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện nhằm đạt được những kết quả cao hơn. Trong đó cần tính toán, bố trí các nguồn lực để thực hiện; thực hiện tốt thu hút đầu tư; các địa phương, các sở, ngành, các đơn vị liên quan cần xác định ró trách nhiệm trong triển khai thực hiện.
Qua đây, đồng chí đề nghị các địa phương, các sở, ngành, đơn vị có liên quan cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá để kịp phát hiện những tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh kịp thời, đúng quy định của pháp luật hiện hành hoặc điều chỉnh các mục tiêu, giải pháp sát thực tế để triển thực hiện có hiệu quả NNUDCNC và phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.