banner
Thứ 4, ngày 4/12/2024
Quốc hội thảo luận Tổ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
1-6-2022
Chiều ngày 31/5/2022, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ đối với 2 Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là 2 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3-Quốc hội khóa XV. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp tục cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh Điện Biên, An Giang và thành phố Cần Thơ thảo luận tại Tổ số 4. Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tham gia phát biểu 5 lượt với 24 ý kiến.
Quốc hội thảo luận Tổ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi đã phát biểu tham gia 4 ý kiến vào Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đối với khoản 4 Điều 23 quy định về góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư: "4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tạo điều kiện cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình". Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này như sau: "4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình". Có như vậy, mới đảm bảo tính khả thi của quy định, UBND xã không chỉ tạo điều kiện mà còn hướng dẫn về mặt nội dung, hỗ trợ kính phí, đảm bảo an ninh trật tự,…và các điều kiện thiết khác để Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện việc này....

Về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Điều 1 xác định: “Luật này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở”, với dự kiến phạm vi điều chỉnh nêu trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh đề nghị nghiên cứu, xem xét lại một số vấn đề sau: Thứ nhất, Điều 1 dự án Luật chỉ dự kiến phạm vi điều chỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân. Tuy nhiên, Chương V dự án Luật còn quy định về tổ chức Thanh tra nhân dân (Điều 57); tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã (Điều 60, Điều 61); tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (Điều 62, Điều 63). Như vậy, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật chưa bao quát hết tất cả các quan hệ xã hội mà dự thảo dự kiến tác động đến. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cho đầy đủ, bao quát.

ĐBQH Nàng Xô Vi phát biểu thảo luận

Thứ hai, về việc quy định doanh nghiệp là đối tượng điều chỉnh của luật được giải thích tại khoản 1 Điều 2 và Chương IV cũng quy định cụ thể các nội dung liên quan đến thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bao gồm doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quy định doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đề nghị xem xét, cân nhắc vì một số lý do sau: Doanh nghiệp là tổ chức được thành lập hoặc đăng ký thành lập với những đặc thù, đặc trưng riêng, do vậy, có những nội dung mang tính nhạy cảm, bí mật kinh doanh mà doanh nghiệp không thể hoặc rất khó để công khai, minh bạch; Bản thân “Doanh nghiệp” đã được điều chỉnh bởi nhiều văn bản luật khác về quản trị, sở hữu vốn, lao động, phòng, chống tham nhũng…; đại biểu nhận thấy việc dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục điều chỉnh đến doanh nghiệp sẽ tạo thêm gánh nặng, sức ép cho doanh nghiệp; Với những nội dung quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, dự án Luật dường như đang chỉ tập trung vào người sử dụng lao động và người lao động; khi đó, với quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thì về bản chất, đó là quan hệ hợp đồng lao động, vận hành theo thị trường lao động, có điều khoản, thỏa thuận, có pháp luật điều chỉnh riêng; khi doanh nghiệp (hay người sử dụng lao động) không đáp ứng được yêu cầu của người lao động như lương thấp, khả năng quản trị kém, áp lực… thì người lao động được quyền đơn phương ngừng quan hệ lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với một số điều kiện cụ thể.

Với những lý do nêu trên, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét, đánh giá về tác động của dự án Luật đến quyền và lợi ích, sự năng động, tính chủ động của doanh nghiệp cũng như khả năng chồng chéo pháp luật, gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật… khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sang đối tượng là doanh nghiệp./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động
Icon Quốc hội thảo luận Tổ về Kinh tế-Xã hội
Icon Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 3
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Hiếu, huyện Kon Plông
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE