Tại phiên họp này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã cùng 17 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng như: Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; nội dung cụ thể về một số tư tưởng, chính sách thể hiện trong luật; cách thức thể chế hóa đảm bảo nội dung phù hợp với các văn bản pháp luật khác cũng như tình hình thực tiễn. Đồng thời, nhiều ý kiến góp ý cụ thể về việc hoàn thiện kỹ thuật văn bản nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của luật này.
- Thống nhất dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng cần có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động, trong đó bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các quy định phù hợp hơn về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động, nhất là đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài nhà nước. Quy định như vậy để đảm bảo quyền, lợi ích, sự năng động và tính chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật, không tạo thêm gánh nặng, sức ép đối với doanh nghiệp.
Góp ý về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh nhận thấy quy định tại Điều 11 dự thảo luật về những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai còn có sự trùng lắp, chồng chéo với quy định tại các luật khác, đại biểu đề nghị đối với những nội dung đã được quy định tại các luật khác không cần thiết phải quy định lại mà có thể dẫn chiếu quy định của các luật khác có liên quan.
Tại khoản 1, Điều 92 dự thảo luật quy định “Trường hợp luật khác ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thì hành có quy định cụ thể về nội dung, hình thức, thời hạn, trình tự, thủ tục công khai thông tin... trong các lĩnh vực cụ thể thì thực hiện theo quy định của luật đó". Đại biểu Phạm Đình Thanh nhận thấy nội dung quy định này cũng cần được nghiên cứu thêm, đề nghị xem xét quy định như tại dự thảo luật này đã đảm bảo thực hiện đúng theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay chưa?.
Về văn bản của cộng đồng dân cư có nội dung trái pháp luật không phù hợp với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, quy định tại Điều 22 dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất quan điểm trường hợp văn bản của cộng đồng dân cư có nội dung trái pháp luật thì cần phải bãi bỏ ngay.
- Phát biểu tranh luận về vấn đề có thực sự cần thiết thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước hay không, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, vấn đề này có đầy đủ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn để thực hiện. Về cơ sở chính trị, Chỉ thị 35 và Chỉ thị 98 của Bộ Chính trị về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã nêu ra 2 điểm hết sức chú ý. Thứ nhất là quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hàng ngày của nhân dân tại cơ sở; thứ hai là Ban Thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền làm chủ và việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân; bên cạnh đó việc thực hiện dân chủ cơ sở tại các tổ chức cũng được quy định ở các văn bản dưới luật. Về cơ sở thực tiễn, thực tiễn cũng cho thấy việc thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, theo đại biểu Tô Văn Tám cần phải hệ thống hóa nội dung này để đưa vào luật nhằm đảm bảo tốt hơn, thể chế tốt hơn và thực hiện tốt hơn.