* Về công tác lập pháp, Quốc hội thông qua 6 luật và 3 nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật. Các luật, nghị quyết được thông qua gồm:
- Luật Dầu khí được sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn lực nhằm xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí, tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước,...
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
- Luật Thanh tra được sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành;...
- Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện,...
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được xây dựng nhằm tiếp tục thể chế chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng cầu thực tiễn.
- Luật Phòng, chống rửa tiền được sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và khắc phục những hạn chế, bất cập sau 10 năm thi hành Luật;...
- Nội quy kỳ họp Quốc hội được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; nội quy hóa những cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội đã được kiểm nghiệm có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay để áp dụng thống nhất.
- Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô được ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được ban hành nhằm thể chế hóa Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về “xây dựng văn bản pháp luật cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù”.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.
* Về xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết sau:
- Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023: Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;...
- Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng (tương đương 4,42% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng.
Từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở. Từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị…
- Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023: Quốc hội đã quyết định tổng số thu ngân sách trung ương là 863.567 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 1.294.067 tỷ đồng, trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị: (1) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất; (2) Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên; (3) Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân khi thực hiện hoạt động nhập cảnh tại các nước…
* Về giám sát tối cao
- Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 03 Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ về các lĩnh vực: xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể về những việc phải làm và thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thực sự đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân cả nước.
- Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật đã ban hành để kịp thời điều chỉnh những bất cập, mâu thuẫn; tập trung xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với các lĩnh vực trọng yếu như: năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản…, qua đó, nâng cao tối đa hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước để phát triển nhanh và bền vững.