banner
Thứ 4, ngày 22/1/2025
CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4 HĐND TỈNH TRÁCH NHIỆM CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ
9-12-2022
Sáng ngày 08/12/2022, HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại Hội trường và nghe UBND tỉnh tiếp thu, giải trình những ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh trong thảo luận tại các Tổ. Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn
CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4 HĐND TỈNH TRÁCH NHIỆM CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ
Quang cảnh Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh. Ảnh: TH

Theo Chủ tọa kỳ họp, có 12 ý kiến chất vấn của 12 vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh gửi đến Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, có 07 ý kiến chất vấn các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (phụ trách lĩnh vực); 02 ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; 01 ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; 01 ý kiến chất vấn Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và 01 ý kiến chất vấn cả ba giám đốc sở, đó là Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nội vụ.

Nội dung chất vấn tập trung vào việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về ô nhiễm môi trường tại các huyện: Đăk Tô, Đăk Hà và Sa Thầy; về công tác trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán; tình trạng phá rừng; phát triển kinh tế tập thể; lắp đặt trạm cân để thu mua nông sản không đúng quy hoạch; kết quả thực hiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) luôn ở nhóm thấp nhất cả nước; thực hiện Dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy); điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; thực hiện chỉ tiêu bảo hiểm y tế học sinh; thực hiện các dự án, tiểu dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triểnkinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tình trạng viên chức ngành Y tế và ngành Giáo dục xin nghỉ việc. Đây là các nội dung được đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh đã và đang quan tâm, đặc biệt là tình trạng phá rừng, về các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính và việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.

Tình trạng phá rừng chưa được ngăn chặn triệt để

Đại biểu Trần Bá Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chất vấn. Ảnh: TH

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Bá Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh về tình trạng phá rừng trong năm qua vẫn chưa giảm triệt để, mà nổi bật nhất trong năm 2022 có 02 vụ phá rừng tương đối lớn ở huyện Ia H'Drai và Sa Thầy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho rằng: Đến ngày 25/11/2022 đã phát hiện 83 vụ, khối lượng gỗ vi phạm 419,348 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại; diện tích thiệt hại 32,125 ha. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm 110 vụ (giảm: 56,99 %), diện tích thiệt hại giảm 41,60 ha (giảm: 56,42%), khối lượng gỗ vi phạm giảm 7,499 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại (giảm: 1,76%). Số vụ vi phạm đã xử lý: 95 vụ. trong đó có 63 vụ xử lý hành chính; 17 vụ xử lý hình; xử lý khác là 15 vụ; số vụ đang điều tra, xác minh: 23 vụ. Qua xử lý trách nhiệm đã kỷ luật 27 trường hợp, trong đó có 16 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo.

Ngoài nguyên nhân khách quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng tình trạng phá rừng chưa được ngăn chặn triệt do nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó có công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi, trách nhiệm của cán bộ làm công tác bảo vệ rừng.

Để khắc phục tình trạng phá rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy. Trong đó, xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội... và xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh.

Chưa hoàn toàn thống nhất với trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Trần Bá Tuấn cho rằng có tình trạng buông lỏng quản lý; phối hợp giữa các lực lượng chức năng bảo vệ rừng chưa tốt; có tiếp tay cho các đối tượng khai phá rừng nên lượng gỗ khai thác trái phép mới lớn đến như vậy. Ở đây, phải xác định thêm trách nhiệm của các Trạm liên ngành và đề nghị tiếp tục làm rõ trách nhiệm của tất cả các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nhằm làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Thống nhất với ý kiến tranh luận của đại biểu Trần Bá Tuấn, Chủ tọa kỳ họp đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời về 02 đối tượng làm mất rừng: Một là người dân phá rừng làm nương rẫy; Hai là lâm tặc phá rừng lấy gỗ. Vậy, các cấp chính quyền phải làm thế nào để người dân không phá rừng, để lâm tặc không dám vào rừng phá rừng, vì đó là các hành vi vi phạm pháp luật.

Với đối tượng một, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, của chủ rừng và thời gian tới UBND tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện. Với đối tượng thứ hai là chặt phá rừng trái phép và thường xảy ra ở các vùng giáp ranh với các tỉnh xung quanh. Để giải quyết vấn nạn này cần làm tốt công tác phối hợp với các tỉnh có rừng giáp ranh, đồng thời phải kiên quyết xử lý phương tiện phá rừng.

Các chỉ số về cải cách hành chính chưa được nâng cao

Dù rất cố gắng, nhưng 04 chỉ số: Chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh luôn ở nhóm thấp nhất toàn quốc. Đó là vấn đề chất vấn của đại biểu Nguyễn Xuân Khánh, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Xuân Khánh, Phó Trưởng Ban KT-NS chất vấn. Ảnh TH

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Xuân Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm cho biết kết quả xếp loại 4 chỉ số năm 2021: Chỉ số PCI đạt 58,95 điểm, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành cả nước (giảm 3,07 điểm và giảm 05 bậc so với năm 2020); Chỉ số PAPI đạt 39,89/80 điểm, xếp thứ 54/60 tỉnh/thành (giảm 1,73 điểm và giảm 05 bậc so với năm 2020); Chỉ số PAR INDEX đạt 82,45 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh/thành (tăng 0,1 điểm và giảm 10 bậc so với năm 2020); Chỉ số SIPAS đạt 86,13 % và đứng thứ 44/63 tỉnh/thành (giảm 1,57 điểm % và giảm 21 bậc so với năm 2020) là thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng tỉnh giữ điểm đánh giá nhưng bậc lại tụt xuống, nghĩa là tỉnh đang đứng lại, là tụt lùi so với các tỉnh. Để đạt được 4 chỉ số trên vừa điểm số, vừa xếp hạng cao thì đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, không riêng một tổ chức hay cá nhân nào. Thực chất các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS là để phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua chỉ số PCI.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn cho biết năm 2021: Chi phí không chính thức đạt 5,80 điểm, giảm 0,5 điểm và giảm 19 bậc so với năm 2020, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành phố mà nguyên nhân là do một số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính đất đai; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra, nhất là trong lĩnh vực cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, thanh tra, kiểm tra môi trường, thuế, xây dựng, đấu thầu...; Chi phí gia nhập thị trường đạt 6,16 điểm, giảm 1,26 điểm so với năm 2020, xếp hạng thứ 58/63 tỉnh, thành phố (giảm 16 bậc so với năm 2020), nguyên nhân là do doanh nghiệp đánh giá chưa cao ở các chỉ tiêu như: Thời gian, chi phí và khó khăn khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,93 điểm, thấp hơn 0,91 điểm so với điểm trung vị của năm 2021; đứng thứ 53/63 tỉnh, thành (giảm 20 bậc so với năm 2020), nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 đã làm hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài tới tỉnh nghiên cứu đầu tư, kinh doanh...Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 5,59 điểm, giảm 0,75 điểm và giảm 16 bậc so với năm 2020, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành, nguyên nhân chính là đa số các doanh nghiệp khi có tranh chấp không sử dụng con đường tố tụng để giải quyết do lo ngại các thủ tục tố tụng, mất thời gian của doanh nghiệp; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đạt 6,79 điểm, giảm 0,33 điểm và giảm 33 bậc so với năm 2020, đứng thứ 45/63 tỉnh thành phố, nguyên nhân là do doanh nghiệp đánh giá số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất bị kéo dài hơn; khả năng thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chậm; thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so quy định và thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian...Nhận thấy được yếu kém, UBND tỉnh đã tổ chức 200 cuộc họp, 15 đoàn làm việc với bộ, ngành để tham vấn ý kiến và được hướng dẫn, ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, tài sản công...

Giải pháp khắc phục trong thời gian tới là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số  11-NQ/TU của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh công tác lập các quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp; tăng cường công tác đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp; nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, nhất là trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh; đẩy mạnh công tác thông tin, truyên truyền về pháp luật, hoạt động doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính đến doanh nghiệp, người dân biết, chia sẻ; thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, kịp thời chấn chỉnh nhũng nhiễu, khó khăn cho công tác đầu tư, thu hút đầu tư...

Đại biểu Nguyễn Xuân Khánh cho rằng không phải một sớm một chiều giải quyết vấn đề quan trọng này. Đồng thời, đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành để thực hiện nhiệm vụ, nhất là lĩnh vực đầu tư và xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Chưa hoàn toàn thống nhất với trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Chủ tọa kỳ họp đề nghị nói rõ ai làm? Làm cái gì? Ai chỉ đạo, ai điều hành để xác định trách nhiệm. Chủ tọa nhắc lại vấn đề này là nhiệm vụ của khối chính quyền là chính. Tỉnh ủy đã có nghị quyết lãnh đạo vấn đề này.

Còn nhiều dự án xin điều chỉnh chủ trương đầu tư

Đại biểu Huỳnh Thị Hồng chất vấn. Ảnh: TH

Đại biểu Huỳnh Thị Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh dẫn chứng cho rằng từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay có 27 Nghị quyết liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phải điều chỉnh, có dự án xin điều chỉnh hơn 2 lần, cụ thể như: Dự án suối Đăk Ter; Dự án nâng cấp, sửa chữa đập Đăk Cấm...

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương các dự án là do có sự sai lệch khảo sát thực tế về diện tích đất bị ảnh hưởng, về địa điểm thực hiện dự án, thời gian thực hiện dự án…; một số chủ đầu tư mong muốn làm nhanh nên được tỉnh ủng hộ và quá trình thực hiện có vướng mắc, nhất là công tác quy hoạch, bồi thường gặp khó khăn làm kéo dài thời gian hoàn thành dự án; khả năng dự bảo yếu đã làm phá vỡ dự kiến ban đầu nên cần điều chỉnh lại.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước của tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn và cơ quan chủ trì thẩm định các dự án; yêu cầu các chủ đầu tư kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư. Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh về Quy chế phối hợp trong công tác thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và thẩm định dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước do cấp tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhằm giảm thiểu các sai sót trong quá trình thẩm định hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, hạn chế thấp nhất việc trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Tuy vậy, đại biểu Huỳnh Thị Hồng mong muốn UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa và làm sao khi xây dựng quy chế phối hợp phải bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện việc này có hiệu quả.

Thống nhất cao với câu hỏi chất vấn và phần tranh luận lại của đại biểu Huỳnh Thị Hồng, Chủ tọa cho rằng công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh trong 2 năm qua là có "vấn đề" nên mới xin điều chỉnh lại; nguyên nhân từ nhà đầu tư, từ cơ quan thẩm định, thẩm tra không kỹ, nếu không có các kỳ họp chuyên đề thì xử lý như thế nào? Chủ tọa đề nghị từ nay trở đi, các cơ quan, đơn vị liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này.

Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cho rằng đại biểu chất vấn nêu câu hỏi rõ ràng, người được chất vấn trả lời đi vào trọng tâm, trọng điểm, trả lời có chất lượng. Đại biểu đặt câu hỏi và người trả lời đều mang tính xây dựng cao là để khắc phục những hạn chế, yếu kém và để từ nay trở đi kinh tế-xã hội của tỉnh nhà ngày càng phát triển. Chủ tọa mong các vị đại biểu tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Kết thúc phiên chất  vấn, xét thấy các nội dung chất vẫn có tầm quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh, do đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó nhấn mạnh 2 nội dung: thứ nhất, trách nhiệm của các cơ quan trong nâng cao các chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); thứ hai là công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đây là cơ sở quan trọng để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát trách nhiệm của những người có thẩm quyền đã cam kết trước kỳ họp.

TH  
Tin liên quan:
Icon Đại biểu HĐND thảo luận làm rõ thêm một số vấn đề đối với các trình Kỳ họp họp thứ 4 HĐND tỉnh
Icon Khai mạc Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khóa XII
Icon Họp báo Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khóa XII
Icon HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề tháng 11 năm 2022
Icon Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri phường Quyết Thắng
Icon Thực hiện tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử
Icon Hội nghị liên tịch chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026
Icon HĐND tỉnh giám sát thực hiện Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tại huyện Ngọc Hồi
Icon Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố lần thứ 2
Icon HĐND tỉnh tổ chức họp thông qua 13 nghị quyết chuyên đề
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE