* Về công tác giám sát, khảo sát: Đối với giám sát theo chương trình năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã bám sát yêu cầu của Kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề, chủ động phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc việc giám sát các chuyên đề năm 2022 (Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác Quy hoạch trên địa bàn tỉnh Kon Tum kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021) của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn tỉnh. Kết thúc các cuộc giám sát, Đoàn đã xây dựng báo cáo kết quả giám sát và tổng hợp gửi 68 kiến nghị cụ thể tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và UBND tỉnh Kon Tum.
Đối với giám sát theo chương trình năm 2023: Thực hiện Chương trình giám sát số 266/CTr-ĐĐBQH ngày 13/12/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xây dựng Kế hoạch và đang triển khai giám sát 3 chuyên đề: (1) Về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (Tiến hành giám sát trực tiếp từ ngày 20 đến ngày 27/12/2022); (2) Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (3) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 theo yêu cầu của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và ĐBQH trong Đoàn đã khảo sát trực tiếp 04 chuyên đề và khảo sát qua văn bản 03 chuyên đề về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách, pháp luật khác trên địa bàn tỉnh để phục vụ hoạt động của Đoàn và ĐBQH tại các kỳ họp Quốc hội (Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đấu giá tài sản đối với tài sản công là quyền sử dụng đất và tài sản tịch thu sung vào quỹ nhà nước trong 02 năm 2020 và 2021; Tình hình thực hiện chính sách đối với đối tượng là học sinh, sinh viên đang sinh sống tại các xã, thôn khu vực II, khu vực III đoạn 2016 -2020 nay chuyển lên khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Việc thi hành Luật đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh Kon Tum;…).
Tại các kỳ họp của Quốc hội và Phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã có 03 lần chất vấn trực tiếp (phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: chất vấn trực tiếp 01 lượt đối với Bộ trưởng Bộ Công thương; Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội: chất vấn trực tiếp 02 lượt đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội: chất vấn trực tiếp 1 lượt đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng) và 01 lượt chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Về công tác xây dựng pháp luật và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng: Trước các kỳ họp Quốc hội, theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã gửi các cơ quan hữu quan trong tỉnh nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào 20/20 dự án luật, đề án trình Quốc hội (Luật Cảnh sát cơ động; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi);…). Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tham gia phát biểu 10 lượt tại các phiên thảo luận ở Tổ và tại Hội trường (về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;…). Tại kỳ họp thứ ba đã tham gia phát biểu 20 lượt tại các phiên thảo luận ở Tổ và tại Hội trường (về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Các dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi);…). Tại kỳ họp thứ tư đã tham gia phát biểu 33 lượt tại các phiên thảo luận ở Tổ và tại Hội trường (về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi);...).
* Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, thứ 4 tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thành phố theo đúng quy định và phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương. Tại các hội nghị tiếp xúc, cử tri đã có 140 lượt phát biểu với 265 ý kiến, kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan nhà nước ở địa phương (75 ý kiến thuộc thẩm quyền các cơ quan nhà nước ở Trung ương; 190 ý kiến thuộc thẩm quyền trả lời của các cơ quan nhà nước ở địa phương). Lãnh đạo Đoàn, đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong tỉnh đã giải thích, trao đổi và thông tin cho cử tri về chủ trương và chính sách, pháp luật của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến nội dung 220 kiến nghị của cử tri, được cử tri thống nhất, đồng tình. Đối với những kiến nghị chưa trả lời được ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đã tập hợp, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Kon Tum xem xét, giải quyết, trả lời theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.
* Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ hàng tháng vào ngày 22 tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; Đồng thời phân công đồng chí Phó trưởng Đoàn thay mặt Đoàn tiếp công dân tại Trụ sở làm việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khi có công dân đến Trụ sở yêu cầu. Tại các buổi tiếp công dân, đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ theo luật định. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/12/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 88 đơn, thư/66 vụ việc theo quy định của pháp luật.
* Đoàn luôn duy trì, củng cố mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh theo luật định. Tham gia và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII và các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh.
* Về các hoạt động khác, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn báo cáo, cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh dịch Covid 19 tại tỉnh Kon Tum hàng tuần; báo cáo công tác dân nguyện định kỳ hàng tháng theo đúng quy định. Đã vận động, hỗ trợ, xây dựng nhà tình thương (700 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa) cho 14 hộ chính sách, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số trên địa bàn 7 huyện. Tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 "Phục hồi và Phát triển bền vững" do Quốc hội tổ chức.