banner
Thứ 6, ngày 22/11/2024
Đoàn giám sát của HĐND và Thường trực HĐND tỉnh giám sát trực tuyến về chỉ tiêu trồng rừng và dược liệu
30-12-2022
Chiều ngày 28/12/2022, tại Phòng họp trực tuyến, Hội trường Ngọc Linh (thành phố Kon Tum), Đoàn giám sát của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh giám sát về chỉ tiêu trồng rừng và phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nghe Minh Hồng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự tại điểm cầu ở tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm và đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Tham dự tại điểm cầu các huyện, thành phố Kon Tum có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và các phòng, ban chuyên môn của cấp huyện; lãnh đạo UBND các xã có liên quan, các đơn vị chủ rừng, các doanh nghiệp có trồng rừng và trồng dược liệu đóng chân trên địa bàn.
Đoàn giám sát của HĐND và Thường trực HĐND tỉnh giám sát trực tuyến về chỉ tiêu trồng rừng và dược liệu
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong 02 năm (2021 và 2022), toàn tỉnh đã trồng khoảng 9.516 ha rừng tập trung, cụ thể: Năm 2021, trồng được 4.829,1 ha, đạt 160,97% kế hoạch; năm 2022, trồng được 4.687,8 ha, đạt 104,2% kế hoạch. Kết quả tổng hợp nghiệm thu, đánh giá tỷ lệ cây sống bình quân rừng trồng năm 2021 toàn tỉnh đạt 82,8%. Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương, đơn vị tỷ lệ cây sống bình quân sau nghiệm thu thấp. Về trồng rừng năm 2022, hầu hết các đơn vị, địa phương chưa nghiệm thu, chưa đánh giá các diện tích đã trồng và đến nay chưa có báo cáo kết quả.

Đối với trồng cây phân tán đã trồng khoảng1.643.337 cây, cụ thể: Năm 2021, trồng được 701.723 cây, đạt 116,6% kế hoạch; năm 2022, trồng 941.614 cây, đạt 156,5% kế hoạch, ước thực hiện đến hết năm 2022 toàn tỉnh trồng được 01 triệu cây phân tán. Tổng số các nguồn kinh phí đã thực hiện bố trí, hỗ trợ trồng rừng năm 2021 và năm 2022 là 188.590 triệu đồng.

Về dược liệu, trong 02 năm (2021 và 2022), toàn tỉnh trồng khoảng 4.603 ha dược liệu. Cụ thể: Năm 2021, trồng khoảng 1.639,5 ha đạt 65,5% kế hoạch, trong đó: Sâm Ngọc Linh 333,5 ha (3,335 triệu cây); diện tích còn lại trồng các loại dược liệu khác là 1.306 ha, gồm: Đảng Sâm 415,8 ha; Nghệ vàng 125,3 ha; Đương quy 32,1 ha; Sa nhân 24,2 ha; Đinh lăng 41 ha; Lan kim tuyến 2,1 ha; Ngũ vị tử 2,0 ha, các loại khác 663,6 ha. Năm 2022, trồng mới 2.964,22 ha dược liệu, đạt 118,57% kế hoạch, trong đó: Sâm Ngọc Linh 508,59 ha, đạt 101,72% kế hoạch; diện tích còn lại trồng các loại dược liệu khác là 2.455,63 ha, đạt 122,78%. Năm 2021, chỉ có 04 huyện: Đăk Hà, Ia H’Drai, Sa Thầy, Kon Rẫy đạt chỉ tiêu kế hoạch thì năm 2022 cả 10/10 huyện, thành phố đều đạt và vượt kế hoạch trồng dược liệu đã đề ra.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 tổ chức, 19 doanh nghiệp, 29 hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu. Một số doanh nghiệp đã hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối các loại dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử...và có thương hiệu trên thị trường, gồm: Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum; Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum; Công ty Thái Hòa; Công ty TNHH MTV dược liệu Tây Nguyên DaTo...Giá trị sản xuất dược liệu năm 2021-2022 ước đạt 7.432,7 tỷ đồng, trong đó Sâm Ngọc Linh chiếm 7.116,3 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trồng rừng và dược liệu trên địa bàn tỉnh nói chung trong 2 năm qua còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Việc rà soát quỹ đất trồng rừng của một số địa phương còn nhiều khó khăn; Công tác hướng dẫn lập hồ sơ, thực hiện quy trình triển khai dự án lâm nghiệp có nơi còn chậm; Hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình trồng rừng của một số cơ quan quản lý nhà nước có nơi chưa  kịp thời, đảm bảo...Về dược liệu, Đoàn giám sát cho rằng việc giao chỉ tiêu phát triển dược liệu cho các địa phương có nơi chưa phù hợp với tình hình thực tế; vấn đề kiểm soát nguồn gốc giống dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh còn khá nhiều bất cập; khả năng hình thành cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu đạt quy mô trên 01 ha, công suất 1-2 triệu cây/năm ở một số địa phương là khó thực hiện; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đối với sản phẩm sâm củ cho các tổ chức, cá nhân còn chậm; phát hiện và xử lý vi phạm gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với dược liệu nói chung, sâm Ngọc Linh nói riêng, còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị cần thiết...

Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương cơ bản thống nhất cao với kết quả mà Đoàn giám sát đã đề cập, đồng thời thảo luận thêm và làm rõ nguyên nhân các hạn chế mà Đoàn giám sát đã nêu để cùng đánh giá chỉ tiêu trồng rừng và dược liệu một cách toàn diện nhất. Trong đó nhấn mạnh các địa phương phải rút kinh nghiệm trồng rừng trong các năm trước để triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2023 đạt kế hoạch; thực hiện tốt công tác trồng dặm, chăm sóc đối với diện tích rừng trồng năm 2021 và trồng mới rừng năm 2022; xem xét quy hoạch vùng trồng dược liệu và giao chỉ tiêu trồng dược liệu trên cơ sở đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng...

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nghe Minh Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh Đoàn giám sát có được kết quả giám sát chỉ tiêu trồng rừng và dược liệu là dựa vào đi giám sát thực tế tại các địa phương, đơn vị, đến tận vùng trồng rừng và dược liệu, không phải chỉ dựa trên báo cáo bằng văn bản; do đó, đề nghị UBND tỉnh cần có những chỉ đạo và giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành các chỉ tiêu về trồng rừng và dược liệu được giao. Thời gian tới, HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh sẽ tái giám sát một số nội dung về trồng rừng.

TH  
Tin liên quan:
Icon Bế mạc kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XI
Icon CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4 HĐND TỈNH TRÁCH NHIỆM CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ
Icon Đại biểu HĐND thảo luận làm rõ thêm một số vấn đề đối với các trình Kỳ họp họp thứ 4 HĐND tỉnh
Icon Khai mạc Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khóa XII
Icon Họp báo Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khóa XII
Icon HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề tháng 11 năm 2022
Icon Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri phường Quyết Thắng
Icon Thực hiện tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử
Icon Hội nghị liên tịch chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026
Icon HĐND tỉnh giám sát thực hiện Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tại huyện Ngọc Hồi
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE