Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum cơ bản thống nhất nội dung Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thống nhất việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược theo đề nghị của Chính phủ.
Đại biểu Thanh đề nghị, cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết chuyển tiếp một số nội dung theo chính sách của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Chính phủ cũng cần chỉ đạo rà soát và khẩn trương sửa đổi, bổ sung những chính sách, quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp đối với hoạt động của ngành y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh như Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch (theo quy định tại Quyết định này thì chế độ phụ cấp một phiên trực tại trạm y tế cấp xã chỉ là 25.000đ hiện nay là quá thấp…), cần xem xét, bổ sung thêm đối tượng là viên chức ngành y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ để đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực ngành y tế đủ sức thực hiện tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chủ trương của Đảng.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bố trí đủ nguồn lực, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cũng như quy định quy trình, thời hạn để thực hiện hiệu quả nội dung nghị quyết; đồng thời, sớm hoàn chỉnh về nội dung, thủ tục để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Dược nhằm tháo gỡ căn cơ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cấp phép, sản xuất, lưu hành, sử dụng… thuốc chữa bệnh hiện nay.