Tham dự buổi làm việc có Giám đốc, ban lãnh đạo và phòng thuộc Agribank Kon Tum; Giám đốc Agribank chi nhánh tại các huyện và các chi nhánh thuộc Agribank Kon Tum.
Theo báo cáo của Agribank Kon Tum, đến ngày 15/5/2023, Agribank Kon Tum đã dành gần 12.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng dư nợ để đầu tư cho lĩnh vực tam nông; cho 21 tổ vay vốn vay 10,4 tỷ đồng với số thành viên còn dư nợ là 271 thành viên; cho Công ty TNHH BIOPHAP và Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông Lâm Sản Nghĩa Phát vay 84,793 tỷ đồng để thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; thành lập 02 điểm giao dịch lưu động trên địa bàn xã Mô Rai và xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của Agribank Kon Tum; đã thực hiện giảm 20% lãi suất cho 9.922 khách hàng với dư nợ được giảm lãi 2.898 tỷ đồng, số lãi giảm 4,3 tỷ đồng, trong đó có 9.908 khách hàng là cá nhân, số lãi giảm 2,95 tỷ đồng; 14 khách hàng là doanh nghiệp, dư nợ được giảm 277 tỷ đồng, số lãi giảm 1,35 tỷ đồng; dành 10.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng đối với nhân viên ngành y tế...Đồng thời, Agribank Kon Tum thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ chuyển tiền trên tất cả các kênh thanh toán của Agribank đối với khách hàng có tài khoản thanh toán tại Agribank cho 77.600 khách hàng với số tiền được miễn giảm là 18 tỷ đồng. Nhờ đó, Agribank Kon Tum đã góp phần thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm nông nghiệp và giá trị gia tăng cho người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh nhà được tiếp cận vốn Ngân hàng để triển khai đầu tư xây dựng các công trình, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Agribank Kon Tum kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP theo hướng mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định này cho hộ gia đình, cá nhân vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có thể kéo dài chính sách này đến hết năm 2024.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh thống nhất với việc Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành chính sách kịp thời; ghi nhận kiến nghị của Agribank Kon Tum về mở rộng đối tượng cho vay có thể kéo dài việc thực hiện chính sách này.
Qua đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Agribank Kon Tum rà soát một số vấn đề có liên quan và báo cáo để Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian tới.