Tại buổi thảo luận có 3 đại biểu: U Huấn, Phạm Đình Thanh, Tô Văn Tám phát biểu với 07 ý kiến tham gia.
Về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn cho rằng nếu không lấy phiếu tín nhiệm đối với các đối tượng: phải nghỉ hưu, chờ nghỉ hưu, mới bổ nhiệm trong 06 tháng... (như dự thảo) thì phải có báo cáo đánh giá hoạt động của cơ quan do các đối tượng này đó đảm nhiệm trong thời gian công tác.
Đối với Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh; tại Điều 8, Dự thảo nghị quyết, đại biểu U Huấn cho rằng trong khởi nghiệp, sáng tạo có nhiều nội dung như: tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin...và tư vấn khởi nghiệp. Những nội dung này cần nghiên cứu và đưa vào Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 nhằm tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Tại Điều 4 về quản lý đầu tư, đại biểu cho rằng vốn các chương trình, dự án trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt, trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến cả nguồn đầu tư công trung hạn thì có khả thi không? Về nguồn thu hằng năm, HĐND thành phố Hồ Chí Minh có thể bố trí đầu tư công, bố trí chi thường xuyên, bố trí chi sự nghiệp khác. Việc đó thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, do đó không nhất thiết đưa vào dự thảo Nghị quyết này.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh cơ bản thống nhất Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được trình tại kỳ họp. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung: Thứ nhất, bổ sung một điểm vào khoản 2, điều 6 về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, cụ thể: kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, mức độ đoàn kết thống nhất trong cơ quan, đơn vị mà người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giữ vị trí đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh phát biểu. Ảnh: VM
Thứ hai, đề nghị bổ sung và quy định rõ tại Nghị quyết về trách nhiệm của người ghi phiếu tín nhiệm (đại biểu Quốc hội, đại biểu HDND) phải công tâm, khách quan, công bằng trong quá trình ghi phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu. (Ảnh: VM)
Tại điểm b khoản 9 Điều 7 (Dự thảo nghị quyết thay Nghị quyết 54) có quy trách nhiệm cho nhà đầu tư chiến lược là: “Nhà đầu tư chiến lược phải giải quyết vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư”. Đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề là nếu qua 5 năm mà không giải ngân được vốn thì có thu hồi không? vì vậy cần phải quy định rõ nội dung này để dễ thực hiện.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu trong Dự thảo nghị quyết, đại biểu cho đó là một thí điểm. Nếu đưa tất cả các biên chế về cơ quan này thì có hai vấn đề: Một là lập ra một tổ chức mới; Hai là, chưa rõ không phát sinh biên chế, nghĩa là lấy các biên chế làm công tác này từ các đơn vị khác về. Nhưng khi thành lập một đơn vị mới cần tăng biên chế lại vướng Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị, nhưng không rõ quy định có cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được tăng biên chế hay không? Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ thêm.