Phát biểu tại buổi thảo luận Tổ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh đã có 04 ý kiến như sau:
Quang cảnh thảo luận tổ
Thứ nhất, với mục tiêu sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết “về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” tại kỳ họp này là cần thiết, kịp thời, phù hợp với nội dung kết luận, chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 và giám sát chuyên đề 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Thanh đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung vào Nghị quyết cơ chế, chính sách và các quy định cụ thể để chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện chủ động quyết định điều chỉnh nguồn vốn ở các dự án không còn đối tượng sang các dự án khác thuộc chương trình còn đối tượng, nhưng thiếu nguồn vốn để thực hiện. Đồng thời, xem xét tích hợp nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia trùng lắp về mục tiêu, nội dung, đối tượng thụ hưởng để tổ chức thực hiện thống nhất tại một chương trình.
Thứ ba, về đối tượng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội dự kiến quy định tại khoản 6, Điều 4 Dự thảo nghị quyết, đề nghị rà soát, bổ sung đầy đủ và không bỏ sót các đối tượng được hỗ trợ vay vốn quy định tại Khoản 1, Điều 12, Luật Việc làm tại địa bàn thuộc phạm vi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đại biểu Thanh, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, theo đó người lao động cũng thiếu việc làm, không có nguồn thu... nên rất cần được quan tâm hỗ trợ vay vốn để học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quang cảnh Kỳ họ bất thường
Thứ tư, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến quy định tại khoản 7, Điều 4 Dự thảo nghị quyết; về thời gian đại biểu Thanh đề nghị nên quy định thực hiện thí điểm ngay trong năm 2024; về số lượng, đề nghị giao cho các địa phương cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn không quá 1/3 số đơn vị cấp huyện trên địa bàn để triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của nghị quyết.