Tham dự tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể ...ở Trung ương.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Phạm Đình Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; Nghe Minh Hồng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Ngọc Sâm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, Công an tỉnh và các sở: Tài chính, Công thương, Ngoại vụ; Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: VM
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc 04 nhóm vấn đề, gồm: (1) Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; (2) Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; (3) Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; (4) Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Về lĩnh vực ngoại giao, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn 04 nhóm vấn đề, gồm: (1) Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; (2) Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; (3) Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; (4) Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài chính và ngoại giao đã kết thúc tốt đẹp. Tại phiên chất vấn có 69 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn và tranh luận (5 lượt đại biểu tranh luận) với tổng số 86 câu hỏi thuộc các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và đây đều là lĩnh vực rất quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, Nhân dân cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết thúc Phiên chất vấn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng các vị đại biểu Quốc hội chuẩn bị kỹ các câu hỏi ngắn gọn, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri, thực hiện đầy đủ các quy định và chất vấn bảo đảm đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng, ngành, lĩnh vực phụ trách đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng, đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.
Khái quát nội dung tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh thời gian tới, lĩnh vực tài chính cần thực hiện đồng bộ và nhiều giải pháp; lĩnh vực ngoại giao thì đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế mà các đại biểu Quốc hội đã nêu.
Qua đây, Phó Chủ tịch nêu rõ kết quả phiên chất vấn lần này cho thấy nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn thảo, giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.