Sáng ngày 23/5/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã tham gia thảo luận tại Tổ 04 về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023;...
Tại buổi làm việc này, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hùng, Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã phát biểu ý kiến tham gia thảo luận. Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất nội dung báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những kết quả quan trọng đã đạt được về lĩnh vực kinh tế - xã hội trong thời gian qua;.... Về tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, đại biểu đặc biệt quan tâm đến những khó khăn đối với họat động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời gian qua. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc một số lượng lớn DN rút lui khỏi thị trường, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh qua các năm, cũng đồng nghĩa với việc một bộ phận người lao động mất việc làm, không có thu nhập sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo đại biểu, những khó khăn đối với họat động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp kể từ sau đại dịch COVID-19 đến nay hầu như vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ. Nên thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm hơn trong việc chỉ đạo các bộ ngành liên quan và chính quyền các tỉnh, thành phố về các giải pháp cụ thể để tháo gỡ cho được khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập, giảm thiểu khó khăn đối với người lao động.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận
Về vấn đề phát triển Nhà ở xã hội, theo như báo cáo của Chính phủ thì vấn đề phát triển Nhà ở Xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Theo đại biểu vấn đề phát triển, quản lý, sử dụng Nhà ở xã hội cần được đánh giá kỹ hơn để làm rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thời gian qua. Trước hết cần đánh giá làm rõ công tác dự báo, rà soát tình hình của cơ quan chức năng trước khi tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành chính sách về nhà ở xã hội; công tác dự báo, khảo sát đánh giá thời gian qua đã sát thực tế, đảm bảo yêu cầu khách quan và phù hợp nhu cầu, khả năng của đối tượng ưu tiên được mua, thuê mua, sử dụng nhà ở xã hội chưa?.... Từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách phát triển, quản lý, sử dụng Nhà ở xã hội, đảm bảo cho các đối tượng được ưu tiên tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Qua khảo sát thực tế và ý kiến của cử tri thời gian qua cho thấy ngoài những hạn chế như việc đầu tư, xây dựng dự án nhà ở xã hội chậm, không đảm bảo tiến độ theo kế họach, thì còn có việc - sau khi được xây dựng ở thành phố thì đối tượng ưu tiên không tiếp cận được nhà ở xã hội vì giá bán quá cao; ở một số tỉnh thì có tình trạng nhà ở xã hội xây dựng xong không có người mua, thuê mua gây lãng phí ngân sách và đất đai... Vấn đề này, rất cần được xem xét, đánh giá một cách toàn diện và kỹ lưỡng hơn.
Trong buổi thảo luận này, đại biểu Phạm Đình Thanh đã kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo Chính phủ cùng tham dự thảo luận tại Tổ một vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước và đảm bảo đời sống của người dân có liên quan đến 2 tỉnh - Kon Tum và Quảng Nam, với nội dung: Hiện nay, trên địa phận xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có 240 hộ/1.034 nhân khẩu là người dân thuộc thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang sinh sống. Tuy nhiên, do vấn đề địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam ở khu vực này chưa được giải quyết xong nên công tác quản lý nhà nước của chính quyền gặp nhiều khó khăn; việc đầu, tư hỗ trợ cho các hộ dân (nêu trên) không thực hiện được. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn (trong số 240 hộ này có 144 hộ thuộc diện hộ nghèo - chiếm tỷ lệ 60%.
ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu thảo luận
Vấn đề này, UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị gửi Bộ Nội vụ. Gần đây nhất là Văn bản 2315/UBND-NC ngày 19-7-2023 của UBND tỉnh Kon Tum gửi Bộ Nội vụ. Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cũng đã tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Do đó, đề nghị Bộ Nội vụ sớm chủ trì phối hợp với với 2 tỉnh để giải quyết, hoặc tham mưu Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam để phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước và đảm bảo đời sống của người dân ở khu vực này. Về chủ trương giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã - Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng đã có Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991, nhưng đến nay vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện xong (trong đó có trường hợp của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam - Nêu trên) rất cần được xem xét và sớm giải quyết dứt điểm./