Qua gần 15 năm thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, công tác xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhận thức của hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức đa dạng (tuyên truyền trực tiếp cho người tham gia giao thông, phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức các hội thi về trật tự, an toàn giao thông,…). Công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đã được các cơ quan chức năng, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp rà soát, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả; các cơ quan chuyên môn đã xử lý được 21 điểm đen trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường nội thị; xử lý cải tạo 11 điểm có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông…
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông có lúc chưa sâu rộng, sát nội dung và đối tượng; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Tai nạn giao thông tuy cơ bản đã được kiềm chế, nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; các vụ tai nạn giao thông xảy ra phần lớn đều do chủ quan, người điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia, không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về trật tự, an toàn giao thông có lúc chưa đồng bộ, kịp thời. Việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của các đơn vị, địa phương có lúc chưa thật quyết liệt và triệt để. Trong những năm qua, phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng, trong khi đó tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát thực tế và nội dung kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, địa phương của tỉnh Kon Tum, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giám sát, khảo sát việc thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải; giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trang bị thiết bị máy móc, trang bị bảo hộ cho lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương có liên quan tiếp tục rà soát để xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải đường bộ, về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe cơ giới đường bộ,... Đề nghị các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và giải quyết bổ sung quy hoạch và bố trí kinh phí để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum (các dự án: Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; đoạn còn lại của Quốc lộ 24 nối từ tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi (khoảng 62,2 km); Quốc lộ 40B (đoạn qua tỉnh Kon Tum dài 52,4 km); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku (CT.02); nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Đăk Glei đến huyện Ngọc Hồi);…. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thêm kinh phí bảo trì đường bộ từ nguồn ngân sách Trung ương cho các tỉnh nghèo, miền núi chưa tự cân đối được ngân sách (trong đó có tỉnh Kon Tum), vì hiện nay kinh phí phân bổ hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của tỉnh, dẫn đến các công trình giao thông xuống cấp nhanh và gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông… Đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo bảo đảm trật tự an toàn, giao thông trong tình hình mới, trước hết là tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch số 3740/KH-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” và các văn bản liên quan; xác định đây vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi phải thực hiện kiên quyết và triệt để trong chỉ đạo những giải pháp đồng bộ đã đặt ra;…