Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ,... Được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế. Khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan về bảo hiểm y tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 24 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu ý kiến xây dựng luật; 01 đại biểu Quốc hội phát biểu tranh luận. Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung của dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị cần làm rõ và tiếp tục chỉnh lý một số nội dung cụ thể theo hướng đề cao vị trí, vai trò, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, trong đó có vấn đề về biên chế cán bộ công đoàn, nguồn lực, cơ chế tài chính, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, nhằm xây dựng tổ chức công đoàn đủ mạnh, thực sự là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động trong giai đoạn cách mạng mới, ngang tầm với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới;...
Quang cảnh phiên họp
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 04 ý kiến về những hành vi nghiêm cấm; Việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động tại Việt Nam; Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; Quyền gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài;... Theo đại biểu, dự thảo không quy định cụ thể các phương án phân chia kinh phí công đoàn cho các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là phù hợp, tuy nhiên cần quy định nguyên tắc phân chia, cơ quan có thẩm quyền phân chia. Việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp nên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định, như thế vừa linh hoạt, vừa phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, vừa đảm bảo quyền tự quyết công việc nội bộ của công đoàn.... Về những hành vi nghiêm cấm, tại điểm b, khoản 2, Điều 10 quy định cấm chuyển người lao động làm công việc khác, theo đại biểu Tô Văn Tám nên quy định rõ hơn nội dung này. Vì nếu người sử dụng lao động mà chuyển người lao động làm công việc khác với điều kiện tốt hơn và thu nhập tốt hơn thì không nên cấm;...