banner
Thứ 6, ngày 15/11/2024
HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI BỔ SUNG NĂM 2013 VÀ VIỆC ĐƯA HIẾN PHÁP VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG Ở TỈNH TA
19-11-2014
Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2014, đó là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, với hơn 26 triệu ý kiến góp ý tham gia, Quốc hội đã thảo luận dân chủ, công khai qua 3 kỳ họp, có thể nói hiến pháp 2013 là kết quả của sự kế thừa và phát triển của các bản hiến pháp trước đó mà trực tiếp là hiến pháp 1992, tiếp thu các ý kiến đóng góp tham gia của các tầng lớp nhân dân và của các đại biểu Quốc hội, tham khảo kinh nghiệm, kỹ thuật lập hiến của thế giới. Hiến pháp có 11 chương và 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với hiến pháp cũ, nhiều vấn đề trong quá trình thảo luận góp ý sửa đổi được quần chúng nhân dân, nhân sỹ trí thức quan tâm, đã được tiếp thu, sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung và biểu đạt rõ ràng có cơ sở, căn cứ về lý luận và thực tiễn, trong đó đáng chú ý là:
HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI BỔ SUNG NĂM 2013 VÀ VIỆC ĐƯA HIẾN PHÁP VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG Ở TỈNH TA

          Vai trò lãnh đạo của Đảng, hiến pháp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội, mà còn hiến định mối quan hệ giữa đảng với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, và chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định lãnh đạo của đảng, như vậy những vấn đề này không chỉ là vấn đề của chính trị, mà còn là vấn đề của pháp lý, đồng thời hiến pháp cũng giới hạn hoạt động của các tổ chức Đảng và các đảng viên, đó là trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Đây là điểm nhấn quan trọng và nổi bật trong sửa đổi bổ sung hiến pháp 1992, khi hiến định vai trò, vị trí ,trách nhiệm của Đảng trong hiến pháp đạo luật cơ bản của nhà nước.

          Cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân, cũng được xác định rõ hơn, chúng ta không thực hiện cơ chế tam quyền phân lập.Trong điều kiện Đảng cầm quyền, thì quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng cần thiết phải có sự phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên nếu không có sự kiểm soát quyền lực thì sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, bởi vậy việc hiến định sự kiểm soát quyền lực là cần thiết, như thế cơ chế thực hiện quyền lực trong hiến pháp 2013 là: phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời sửa đổi lần này, hiến pháp cũng xác định rõ hơn cơ quan lập pháp là Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền hành pháp là chính phủ, cơ quan thực hiện quyền tư pháp là tòa án , cùng với đó là xác định đầy đủ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và của từng thiết chế trong các cơ quan đó.

Một nội dung hết sức quan trọng được thể hiện trong hiến pháp với những tư duy mới trên cơ sở quan điểm của đảng, ý nguyện của dân chúng và luật pháp quốc tế, đó là vấn đề quyền con người, hiến pháp sửa đổi đã biểu đạt ở chương II, quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, với 36/ 120 điều chiếm 34% các điều khoản của hiến pháp, so với 34/147 điều (33,1%) của hiến pháp cũ, trong đó có nhiều điều khoản xác định các quyền con người. Điều đó thể hiện quan điểm vì con người, vì tự do hạnh phúc, dân chủ của công dân của đảng ta, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và đảm bảo, bảo vệ bằng hiến pháp và pháp luật, quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng và được quy định trong luật. Các quyền con người, quyền công dân được quy định trong hiến pháp 2013, cũng như các trường hợp hạn chế quyền con người, quyền công dân, đều tương thích với luật pháp quốc tế, như hiến chương liên hiệp quốc, các công ước quốc tế về quyền dân sự kinh tế, chính trị vv…

Có hiến định việc hợp nhất 2 chức danh, tổng bí thư đảng với chủ tịch nước ? Chủ tịch nước là một thiết chế trong bộ máy nhà nước, và với tính cách là nguyên thủ quốc gia, chủ tịch nước thay mặt nhà nước trong đối nội và đối ngoai, có nhiệm vụ quyền hạn của nguyên thủ quốc gia. Tổng bí thư là người đứng đầu, là hạt nhân lãnh đạo của đảng, đảng là một tổ chức chính trị, được lịch sử và nhân dân lựa chọn làm lực lượng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhà nước và xã hội, cơ cấu tổ chức của đảng do điều lệ đảng quy định, bởi vậy hiến pháp không quy định tổng bí thư đồng thời là chủ tịch nước, trong những thời điểm lịch sử nào đó nếu đảng giới thiệu tổng bí thư để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước thì cũng không vi hiến, bởi đảng giới thiệu các đảng viên ưu tú để quốc hội và nhân dân bầu vào các vị trí lãnh đạo, hoặc đại biểu dân cử trong bộ máy nhà nước.

HĐND và UBND được biểu đạt bởi chính quyền địa phương ở chương IX, với các quy định khái quát hơn, một mặt vẫn tiếp tục ghi nhận vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND và UBND, mặt khác, có những quy định mới, linh hoạt, tiếp cận quan điểm của đảng về chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị,hải đảo.. làm cơ sở cho việc xây dựng một đạo luật mới về chính quyền địa phương.

          Về cơ chế bảo hiến, trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến đã đề cập đến việc hình thành một cơ quan bảo hiến đó là hội đồng hiến pháp, được dư luận và nhân dân rất quan tâm, tuy nhiên quá trình tiếp thu ý kiến của nhân dân và trên cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề, quốc hội nhận thấy với những quy định về bảo vệ hiến pháp trong hiến pháp 1992 đã đầy đủ và đảm bảo bảo vệ hiến pháp trong quá trình thực thi và đã được giữ nguyên tại điều 119, vấn đề là cần tăng cường vị trí vai trò, quyền hạn của các cơ quan được hiến pháp quy định có trách nhiệm bảo vệ hiến pháp, cũng như phát huy tinh thần và sức mạnh của nhân dân trong bảo vệ hiến pháp. Tuy nhiên cũng tại điều 119 có xác định: Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định, với quy định này cho thấy đây không phải là vấn đề đóng mà là vấn đề mở, theo đó trong quá trình phát triển và yêu cầu của thực tiễn, vẫn có thể có những cơ chế bảo vệ hiến pháp sẽ được luật định và như vậy cũng phù hợp với hiến pháp.

          Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực pháp luật, nhiệm vụ của chúng ta là tổ chức thực thi, đưa hiến pháp vào thực tiễn cuộc sống, đối với tỉnh ta việc đưa hiến pháp vào thực tiễn cuộc sống được tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ trong năm 2014 mà là việc làm thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền,MTTQ và các đoàn thể, để thực hiện tốt nhiệm vụ này thiết nghĩ cần chú ý một số vấn đề sau:

          Thứ nhất: Quán triệt sâu sắc trong các cấp các ngành chỉ thị 32 của Ban Bí thư về triển khai thi hành hiến pháp và định hướng tuyên truyền phổ biến hiến pháp, và Nghị quyết 64/ 2013 của quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

          Thứ hai: Tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về toàn bộ nội dung của hiến pháp, đối với cán bộ công chức, viên chức thì học, bồi dưỡng các nội dung của hiến pháp, trong đó tập trung các nội dung: về vai trò lãnh đạo của Đảng, về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản công dân, những điều khoản quy định về đất đai, cơ chế bảo vệ hiến pháp và vấn đề chính quyền địa phương, hội đồng bầu cử quốc gia, những điều khoản về đất đai cần gắn với việc tuyên truyền phổ biến luật đất đai cũng đã được quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó chú ý về vấn đề thu hồi đất, bồi thường đất, quản lý đất đai vv…

          Thứ ba: Chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tham gia vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật thực định trên cơ sở nội dung hiến pháp 2013, mà đáng quan tâm nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, như luật tổ chức hoạt động của quốc hội, chính phủ, luật về chính quyền địa phương vv…

          Thứ tư: Cùng với quá trình quán triệt, tuyên truyền phổ biến hiến pháp trong cán bộ và nhân dân, là phản bác các luận điệu xuyên tạc quá trình sửa đổi bổ sung hiến pháp, xuyên tạc, bác bỏ các nội dung của hiến pháp, cũng như những nhận thức lệch lạc, mơ hồ về quan điểm đường lối của đảng, tư duy pháp lý của đảng và quá trình lập hiến lập pháp của nhà nước ta./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon SỰ LỰA CHỌN CỦA LỊCH SỬ
Icon Nâng cao chất lượng giám sát - nhìn từ thực tiễn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE