Mục đích giám sát là để xem xét, đánh giá thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến tình trạng oan, sai trong điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan (thời gian từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2014); những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục; đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Giám sát tập trung vào các nội dung: Thực trạng tình hình làm oan người vô tội và áp dụng sai quy định pháp luật hình sự, tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và nguyên nhân; Việc xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền vi phạm pháp luật, gây nên oan, sai; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; Đánh giá hiệu quả của những giải pháp đã áp dụng để khắc phục, hạn chế oan, sai và giải pháp trong thời gian tới; Đề xuất sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; xây dựng Luật tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, cơ chế xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền để xảy ra oan, sai. Việc bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục; Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Từ ngày 27/01 đến ngày 25/02/2015, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiến hành giám sát đối với các cơ quan: TAND tỉnh Kon Tum; VKSND tỉnh Kon Tum; Công an tỉnh Kon Tum; Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum; Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum và Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum./.