Cụ thể, theo Nghị định này, kể từ ngày 01/01/2015, người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản vẫn phải đóng BHYT hàng tháng với mức bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản; bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng BHYT, tuy nhiên, vẫn sẽ được hưởng các quyền lợi BHYT. Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài cũng không phải đóng BHYT; thời gian này được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi.
Ngoài các trường hợp đặc biệt nêu trên, mức đóng BHYT hàng tháng của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… vẫn duy trì như trước đây, cụ thể bằng 4,5% mức lương hàng tháng.
Nghị định cũng quy định cụ thể về mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng. Trong đó, người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT trong thời gian 05 năm sau khi thoát nghèo; trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01/01/2015 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01/01/2015 chưa đủ 01 năm thì thời gian còn lại được hỗ trợ thấp nhất là 01 năm; học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30% mức đóng BHYT…
Cũng theo Nghị định, người có thẻ BHYT đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ đã hết hạn sử dụng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú; người tham gia BHYT vào viện điều trị trước ngày 01/01/2015 nhưng ra viện kể từ ngày 01/01/2015 thì được thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015; thay thế Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/07/2009./.