Đối với Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi): Về quan hệ giữa các cấp ngân sách quy định tại Điểm đ, Khoản 7, Điều 9 dự thảo có quy định: "Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu mới làm ngân sách địa phương tăng thu lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên". Đề nghị cân nhắc điểm này và cho địa phương hưởng theo tỷ lệ điều tiết theo quy định. Trường hợp có quy định thì luật cũng nên quy định cụ thể tỷ trọng của khoản thu mới so với thu ngân sách nhà nước ở địa phương chiếm bao nhiêu % thì nộp về ngân sách cấp trên, số bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương làm bao nhiêu. Đối với khoản thu phát sinh nhỏ, dưới tỷ lệ quy định của luật thì địa phương không phải nộp về ngân sách trung ương...
Đối với Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Để đảm bảo thống nhất từ Trung ương tới cơ sở, phải bổ sung tính thống nhất của nền hành chính. Đó là công khai hóa, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhằm đảm bảo thực hiện một nền hành chính dân chủ, thống nhất, hiện đại, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Đồng thời đề nghị: Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và thống nhất việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, thực hiện chế độ tài chính không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà còn cả trong các tổ chức khác trong hệ thống chính trị có sử dụng ngân sách nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý chế độ công vụ, công chức để đảm bảo thống nhất quản lý chế độ, tiền lương, phụ cấp và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị; đề nghị xem xét, bổ sung vào Điều 27, 29, 37 trách nhiệm giải trình, hoặc điều trần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước các chủ thể được báo cáo.
Đối với Luật tổ chức chính quyền địa phương: Dự thảo luật được thiết kế các cấp chính quyền đều có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Đề nghị bổ sung quy định về cơ chế, biện pháp để chính quyền địa phương đối thoại với nhân dân, hỏi ý kiến của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong những trường hợp cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư các chương trình dự án theo sự phân cấp cho thống nhất với Luật Đầu tư công; bổ sung nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng, quản lý và thực hiện chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương...Đề nghị xem xét việc tách văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện thành 2 văn phòng như ở cấp tỉnh, nhưng không tăng thêm biên chế mà sử dụng biên chế hiện có của văn phòng.
Đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân: Cần quy định cụ thể đối với đại biểu Quốc hội. Ngoài những tiêu chuẩn chung cần có những tiêu chuẩn riêng, vì Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có đủ trình độ, năng lực, kiến thức, kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá từ lý luận đến thực tiễn. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp, ngoài những tiêu chuẩn chung thì cũng cần quy định những tiêu chuẩn riêng cho mỗi cấp...Về những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử đề nghị quy định cụ thể hơn là trong thời gian vận động bầu cử thì nghiêm cấm ứng cử viên, người thân là bố, mẹ, vợ, chồng, con cái của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân sử dụng tiền, tài sản, vật chất khác, tình cảm để vận động bầu cử dưới bất cứ hình thức nào.
Trong tuần làm việc này, các vị đại biểu còn nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.