Quốc hội đã tiến hành 2 buổi làm việc ở Hội trường để nghe 2 Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân, dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi); đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật này. Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến vào dự thảo luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân; trường hợp bổ sung việc xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng; về quy định không thi hành án tử hình đối với người kết án tử hình đối với tội tham nhũng, nhận hối lộ quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 40; về xu hướng giảm hình phạt tử hình.
Về quy định không thi hành án tử hình đối với người kết án tử hình đối với tội tham nhũng, nhận hối lộ quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 40; dự thảo quy định không thi hành án tử hình đối với tội phạm này khi sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra xử lý tội phạm. Theo đại biểu Tô Văn Tám, tính nhân đạo và khoan hồng trong Luật hình sự là hết sức cần thiết đối với người phạm tội mà ăn năn hối cải, nhận rõ hành vi sai trái của mình để chủ động tích cực khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý thì cần được hưởng sự khoan hồng, nhưng sự hối cải và sự nhận thức chủ động tích cực khắc phục đó nên ghi nhận ở giai đoạn phát hiện tội phạm và đang trong quá trình xử lý, còn sau khi được tuyên án tử hình thì không còn chủ động tích cực nữa mà lúc đó vì quá sợ bị tử hình mà tích cực khắc phục để cứu lấy sự sống của mình và như thế người dân có cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình là điều không phải không có cơ sở và sẽ làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng đối với tình trạng tham nhũng, hối lộ. Mặt khác, đối với người phạm tội có thể sẽ có tư tưởng chờ xem án sẽ tuyên ra sao, nếu tuyên tử hình, lúc đó hãy chủ động tích cực khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để tránh bị tử hình. Nếu tuyên không là tử hình thì sẽ tìm cách giữ tài sản đã tham nhũng hay hối lộ mà có. Bởi vậy, đại biểu đề nghị không quy định vấn đề này mà đưa các tình tiết chủ động khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác cơ quan điều tra với các cơ quan chức năng trong phát hiện xử lý tội phạm thành các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt để áp dụng khoản 1, Điều 54 khi lượng hình. Như vậy, người phạm tội này vẫn có cơ hội thoát khỏi án tử hình.
Tham gia 4 buổi làm việc tại hội trường để nghe 8 tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Nghe 3 Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); dự thảo Luật an toàn thông tin mạng. Đối với dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân; trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hành chính; về quyền nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng và việc trả lại đơn kiện.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã cùng với 20 đại biểu Quốc hội của 3 tỉnh Lào Cai, Thừa Thiên-Huế và Sơn La tiến hành 2 buổi thảo luận ở tổ đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Y mửi, Tô Văn Tám, Nguyễn Vinh Hà và Võ Trọng Việt đã phát biểu tham gia 22 ý kiến đối với những nội dung này./.