Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và đã tham gia 16 ý kiến cụ thể vào dự thảo luật. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nhất trí vấn đề chuyển đổi giới tính liên quan đến quyền con người nên cần phải được quy định trong luật. Do việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội … do đó, cần xác định đây là quyền con người, quyền này sẽ thực hiện theo quy định của luật. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ giao cho cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này bằng một văn bản luật.
Theo Đoàn, Bộ luật Dân sự có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thể hiện quan điểm cơ bản, thống nhất của Nhà nước trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự, thiết lập các nguyên tắc quan trọng nhất cho các mối quan hệ trong đời sống dân sự. Bộ luật cũng là nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động... Bộ luật có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật. Vì vậy, đề nghị bổ sung điều luật “Giải thích từ ngữ” để các đối tượng áp dụng hiểu và thực hiện đúng, thống nhất.
Đối với quy định Quyền có họ, tên tại khoản 2 Điều 26, quy định “… Trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con do mẹ quyết định”, nội dung này cần làm rõ cụm từ “có con” trong trường hợp người phụ nữ độc thân trực tiếp sinh con hay người phụ nữ độc thân nhận con nuôi để cho rõ, tránh nhầm lẫn. Bên cạnh đó, cần phải ràng buộc về xác định họ cho con trong trường hợp người phụ nữ độc thân sinh con phải bắt buộc mang họ mẹ, tránh trường hợp người mẹ tùy tiện quyết định họ cho con sẽ gây ra những nhầm lẫn, rắc rối về sau trong việc xác định nguồn gốc của cá nhân.
Về quy định Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố, khoản 2 Điều 321 quy định “Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố”, nội dung quy định nêu trên không bảo đảm quyền của bên nhận cầm cố, do vậy Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị sửa đổi lại khoản này như sau: “2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố trừ trường hợp xử lý tài sản cầm cố theo quy định pháp luật hoặc thỏa thuận giữa các bên”.