Tham gia ý kiến Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)
6-10-2015
Theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trong tháng 9/2015 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tổ chức lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội trong Đoàn, các cơ quan có liên quan của tỉnh tham gia, đóng góp ý kiến vào Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám tham vấn ý kiến xây dựng Luật tại Sở Tư pháp
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); đồng thời tham gia 9 ý kiến cụ thể vào dự án luật này. Đoàn thống nhất quy định rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong tố tụng dân sự; đại diện tổ chức công đoàn có thể là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; khi xét xử vụ án lao động, trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm có Hội thẩm nhân dân là đại diện công đoàn hoặc người có hiểu biết về pháp luật lao động. Thống nhất các quy định cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm của dự thảo luật. Về kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Điều 21), tại khoản 2 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bổ sung giải thích khái niệm về tài sản công; lợi ích công cộng ngay trong luật để tránh sự tùy tiện trong việc hiểu và thực hiện; trường hợp không giải thích, đề nghị sửa lại khoản 2 thành “2. Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với các việc dân sự; những vụ án có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần”. Về những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (Điều 27), đề nghị bổ sung thêm 2 khoản trước khoản 10 để đảm bảo thống nhất với nội dung quy định tại Điều 389 và Điều 393 (1 khoản quy định về việc yêu cầu giải quyết ly hôn khi có quyết định tuyên bố một người là mất tích và quyết định tuyên bố một người là đã chết; 1 khoản quy định về việc yêu cầu đòi lại tài sản trong trường hợp hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là mất tích và quyết định tuyên bố một người là đã chết). Đối với quy định căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 326), theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nội dung các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại khoản 1 điều này đều mang tính định tính; vì vậy, đề nghị cần bổ sung 1 khoản quy định “Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành điều này” nhằm tránh tùy tiện trong áp dụng luật…