banner
Thứ 6, ngày 27/12/2024
QUỐC HỘI VIỆT NAM 70 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
23-12-2015
QUỐC HỘI VIỆT NAM 70 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Quang cảnh Hội thảo

Phần một:

TỪ QUỐC DÂN ĐẠI HỘI TÂN TRÀO

ĐẾN CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN

 

          1. Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân của Quốc hội Việt Nam

          Tư tưởng xây dựng một nhà nước kiểu mới mà ở đó nhân dân là người chủ của đất nước đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927): “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc”[1].

          Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.

          Vì vậy, giữa tháng 8/1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

          Ngay sau đó, vào chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào, để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về nhân dân.

Đại hội đại biểu quốc dân đã thông qua ba quyết định lớn:

Thứ nhất, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh;

Thứ hai, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập;

          Thứ ba, thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Uỷ viên là: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực Uỷ ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.

          Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

          Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”[2].

          Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đánh giá. Đây là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam. Uỷ ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam được Quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16/8/1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc. Đây là thắng lợi lớn của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự sáng tạo độc đáo của Người trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập.

          Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam và như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng”[3].

          Như vậy, kể từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Quốc dân Đại hội Tân Trào (1945), tư tưởng về xây dựng một nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa từng bước, với những việc làm cụ thể từ thấp đến cao, từng bước chuẩn bị tiền đề cho nhận thức và hành động để đi đến thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam.

          2. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và những quyết định đi đến ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam

          Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đại hội đại biểu quốc dân, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng quyết phải giành cho được chính quyền trong toàn quốc.

Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8/1945), Huế (ngày 23/8/1945), Sài Gòn (ngày 25/8/1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”.

          Ngày 25/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam “một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hoà chính thức”.

          Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[4].

          Việt Nam đã thành một nước độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thành lập là cơ quan điều hành nhà nước cao nhất giữ trọng trách chỉ đạo toàn dân thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến.

          Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân. Vì vậy, ngày 03/9/1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”[5].

Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”[6]. Bản Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.

          Tiếp theo đó, Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 02/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.

          Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc; đồng thời lại phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Việc Chính phủ lâm thời ban hành một loạt các sắc lệnh đã thể hiện sự cố gắng hết sức để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi.

          Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách). Để thực hiện chủ trương thống nhất và hoà giải, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, 06/01/1946. Qua quá trình đàm phán, Việt Quốc đã thoả thuận hợp tác và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 24/12/1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách đã gặp nhau và cùng ký bản “Biện pháp đoàn kết”, trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, nhất trí về việc mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc, Việt Cách tham gia, thừa nhận 70 ghế cho họ trong Quốc hội mà không qua bầu cử. Đây là một sách lược hết sức mềm dẻo và khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập các thế lực phản động và hạn chế sự chống phá của chúng.

          Ngày 01/01/1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần Chính phủ để thực hiện mục tiêu lớn là làm cho cuộc tổng tuyển cử được thành công tốt đẹp và chuẩn bị sẵn sàng việc họp Quốc hội.

          Chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do Uỷ ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.

          Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”[7].

          Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 06/01/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

          3. Một số kết quả của cuộc Tổng tuyển cử

          Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng cuộc Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc Pháp.

          Cuộc Tổng tuyển cử bầu cơ quan đại diện dân cử đầu tiên của nước Việt Nam mới đã thắng lợi tại tất cả 71 tỉnh, thành phố trong cả nước, với số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần.

Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc – Trung – Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.

          Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

          4. Ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử

          Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

          Trong điều kiện cách mạng nước ta đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất, nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ. Nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thành công. Đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó là do đường lối của Đảng đã phản ánh được những khát vọng sâu xa nhất, bức thiết nhất của nhân dân, với lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua Việt Minh, một tổ chức quần chúng rộng lớn do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, sự hy sinh chiến đấu quên mình của những người cách mạng chính là tiền đề chính trị cho cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi.

          Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

          Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “...kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[8].

 

Phần hai:

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

 

Trong quá trình hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước. Căn cứ vào từng thời kỳ tương ứng với việc ra đời của các bản Hiến pháp, có thể phân chia quá trình phát triển của Quốc hội nước ta thành các thời kỳ như sau:

1. Thời kỳ 1946 – 1960

Trong thời kỳ này, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong năm 1946, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc giai đoạn 1946 - 1954, Quốc hội đã cùng với nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... Để sự lãnh đạo và điều hành đất nước được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền hạn tập trung vào Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Đây là nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn này – Quốc hội kháng chiến.

Trong giai đoạn từ 1954 đến 1960, theo Hiệp định Genevơ, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền Bắc – Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã cùng với nhân dân đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Miền Bắc sau khi giải phóng đã bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.

Trước khi được quy định trong Hiến pháp năm 1946, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội đã từng bước được khẳng định trên thực tế qua các kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất vào ngày 02/3/1946 tại Hà Nội, Quốc hội đã thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ thể là Quốc hội nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ khai mạc và báo cáo những công việc đã làm trong thời gian trước đó; biểu quyết thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 người, lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội và quyết định khi Chính phủ muốn tuyên chiến hay đình chiến bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội. Đồng thời, tại kỳ họp thứ nhất, để tập hợp các lực lượng đại diện các đảng phái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và được toàn thể Quốc hội chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 đại biểu không qua bầu cử. Như vậy, tổng số đại biểu Quốc hội khóa I nâng lên thành 403 đại biểu.

Tại kỳ họp thứ hai tổ chức từ ngày 28/10 đến 09/11/1946, vai trò của Quốc hội được thể hiện rõ nét hơn qua việc thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng về đối nội và đối ngoại. Cụ thể là các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ, việc ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, Cuộc đàm phán Fontainebleau đi đến Bản Thỏa hiệp tạm thời ngày 14/9, v.v... Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Hiến pháp 1946, với 240/242 đại biểu biểu quyết tán thành. Hiến pháp khẳng định nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh đang lan rộng, công việc chuẩn bị kháng chiến vô cùng khẩn trương, việc bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp 1946 chưa thể tổ chức được. Như vậy, Quốc hội lập hiến do toàn dân bầu ra ngày 06/01/1946 trở thành Quốc hội lập pháp và kéo dài nhiệm kỳ hoạt động cho đến năm 1960.

Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã tổ chức 12 kỳ họp, xem xét và thông qua bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như: Luật Cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật quy định quyền lập hội, Luật về chế độ báo chí... Đánh giá công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu của nhân dân”.

2. Thời kỳ 1960 – 1980

Trong thời kỳ này, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960. Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.

Hiến pháp 1959 quy định rõ ràng và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội có 17 nhiệm vụ, quyền hạn, như: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm pháp luật; giám sát việc thi hành Hiến pháp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; theo đề nghị của Chủ tịch nước quyết định cử Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ quyết định cử Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, v.v...

Cơ cấu tổ chức của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp 1959 bao gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban dự án pháp luật, Ủy ban kế hoạch và ngân sách và những ủy ban khác mà Quốc hội xét thấy cần thiết để giúp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội do Quốc hội bầu ra, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực thi 18 nhiệm vụ, quyền hạn, như: Tuyên bố và chủ trì việc tổng tuyển cử đại biểu Quốc hội; triệu tập Quốc hội; giải thích pháp luật; quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân, v.v...

Trong thời kỳ này, Quốc hội đã có 5 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa II (1960 – 1964) được bầu ngày 08/5/1960; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I. Nhiệm kỳ Quốc hội là 4 năm và Quốc hội đã có 8 kỳ họp, thông qua 6 đạo luật quan trọng về tổ chức của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 pháp lệnh. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), thông qua Cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hằng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan nhà nước; bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Nhà nước; phê chuẩn việc khen thưởng và đã tích cực giải quyết các đơn thư khiếu tố của nhân dân, ân xá  những phạm nhân cải tạo tốt.

- Quốc hội khóa III (1964 – 1971) được bầu ngày 26/4/1964; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 87 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Quốc hội khóa III hoạt động trong thời chiến, nên nhiệm kỳ của Quốc hội kéo dài trong 7 năm, với 7 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 phiên, thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Lúc này, mọi yêu cầu nhiệm vụ về quân sự, kinh tế, chính trị... đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Tại phiên họp ngày 10/4/1965, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm một số quyền hạn trong trường hợp Quốc hội không có điều kiện thuận tiện để họp. Theo đó, những chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác lớn về chống Mỹ, cứu nước, về chính sách kinh tế thời chiến, về đối ngoại đều được Chính phủ kịp thời báo cáo với Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn nhanh chóng, là điều kiện quan trọng bảo đảm động viên kịp thời những yêu cầu của chiến tranh.

- Quốc hội khóa IV (1971 – 1975) được bầu ngày 11/4/1971; tổng số có 420 đại biểu. Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội khóa IV họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế; phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đàm phán và ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973). Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.

- Quốc hội khóa V (1975 – 1976) được bầu ngày 06/4/1975; tổng số có 424 đại biểu. Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới giải phóng (30/4/1975) và hoạt động chưa đầy 2 năm, nên Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên, nhưng đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, trên cơ sở sự nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu của đoàn miền Bắc và đại biểu của đoàn miền Nam đã khẳng định “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”. Tại kỳ họp thứ hai (tháng 12/1975), Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.

- Quốc hội khóa VI (1976 – 1981) được bầu ngày 25/4/1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.

3. Thời kỳ 1980 – 1992

Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1980 và Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981. Theo đó, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện ba chức năng: lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao được cụ thể hóa thành 15 nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có những quyền rất quan trọng như: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; quyết định kế hoạch nhà nước và phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch nhà nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, v.v... Ngoài ra, Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết.

Hiến pháp 1980 đã có sự điều chỉnh lớn về cơ cấu tổ chức của Quốc hội. Đó là việc thiết lập Hội đồng Nhà nước thay cho chế định Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lần đầu tiên Hiến pháp quy định chức danh Chủ tịch Quốc hội. Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội có nhiệm vụ chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; bảo đảm việc thi hành Nội quy của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội; điều hòa và phối hợp hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội; chứng thực những luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội có quyền tham dự các phiên họp của Hội đồng Nhà nước.

Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 2 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa VII (1981 – 1987) được bầu ngày 26/4/1981; tổng số có 496 đại biểu. Trong nhiệm kỳ khóa VII với 12 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 10 đạo luật, 35 nghị quyết; Hội đồng Nhà nước ban hành 15 pháp lệnh. Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương; thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; quyết định các vấn đề cử và miễn nhiệm một số thành viên Hội đồng Bộ trưởng... Hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng, tập trung vào các vấn đề quản lý kinh tế - xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã có bước cải tiến, tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn vào việc đánh giá những sai lầm, khuyết điểm về việc thực hiện chính sách giá – lương – tiền, đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục. Ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình của các dân tộc, trong hoạt động đối ngoại, Quốc hội luôn tuân thủ nguyên tắc nhất quán, ủng hộ những sáng kiến hòa bình, bảo đảm an ninh chung của nhân loại.   

- Quốc hội khóa VIII (1987 – 1992) được bầu ngày 19/4/1987; tổng số có 496 đại biểu. Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn đầu sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra. Để đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, trong nhiệm kỳ khóa VIII với 11 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật; Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/1989), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII xem xét, thông qua tại kỳ hợp thứ 11 (năm 1992). Kế thừa và phát triển các bản Hiến pháp trước đây, ngoài việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo cơ sở pháp lý đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Trong việc thực hiện chức năng quyết đinh những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, Quốc hội đã quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng, cấp bách về kinh tế - xã hội và thi hành pháp luật, nhằm nâng cao vai trò và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

4. Thời kỳ 1992 đến nay

Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992. Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản, khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa Quốc hội trước và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định Quốc hội có ba chức năng cơ bản: Là cơ quan duy nhất nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của đất nước. Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội có 14 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và bãi bỏ quy định “Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết” theo Hiến pháp 1980.  

Để phân biệt rõ chức năng nguyên thủ quốc gia và chức năng là cơ quan thường trực của Quốc hội, Hiến pháp 1992 đã có sự điều chỉnh quan trọng là bãi bỏ chế định Hội đồng Nhà nước và thiết lập hai chế định là Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.   

Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 5 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa IX (1992 – 1997) được bầu ngày 19/7/1992; tổng số có 395 đại biểu. Quốc hội khóa IX là nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động theo quy định của Hiến pháp 1992, trong đó Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội lần thứ VII của Đảng đề ra. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong nhiệm kỳ khóa IX với 11 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 36 luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 43 pháp lệnh. Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Công tác giám sát của Quốc hội đã có những đổi mới như tiến hành nghe các báo cáo hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Quốc hội đã chú trọng đến công tác dân nguyện, tiếp dân và giải quyết các đơn thư của nhân dân. Nhiều đoàn công tác của Quốc hội đã trực tiếp đến các địa phương, cơ sở để đôn đốc, xem xét việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền  

- Quốc hội khóa X (1997 – 2002) được bầu ngày 20/7/1997; tổng số có 450 đại biểu. Trong nhiệm kỳ khóa X với 11 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 01 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 39 pháp lệnh. Điểm nổi bật là tại kỳ họp thứ 10 từ ngày 21/11 đến ngày 25/12/2001, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hoạt động giám sát của Quốc hội khóa X cũng được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai chủ động trên nhiều địa bàn, với nhiều chủ thể khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương.

- Quốc hội khóa XI (2002 – 2007) được bầu ngày 19/5/2002; tổng số có 498 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Có 120 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm và phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn xã hội. Hoạt động giám sát có bước đổi mới, nội dung giám sát đã tập trung vào các vấn đề bức xúc được dư luận phản ánh và nhân dân quan tâm, như: Đầu tư dàn trải, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai thực hiện một số công trình quan trọng quốc gia (như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng); về giáo dục, y tế; phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn, từ tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới...

- Quốc hội khóa XII (2007 – 2011) được bầu ngày 20/5/2007; tổng số có 493 đại biểu. So với nhiệm kỳ trước, số lượng các ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng lên thành 9 ủy ban với việc Quốc hội thành lập mới Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tài chính và ngân sách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tăng cường với 145 đại biểu, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Trong nhiệm kỳ 4 năm, với sự phấn đấu nỗ lực, không ngừng đổi mới, Quốc hội khóa XII đã ban hành 68 luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết. Các văn bản pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, làm rõ thêm tình hình, nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhấn dân.

- Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) được bầu ngày 22/5/2011. Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp năm 2013. Tại kỳ họp thứ sáu, vào ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013 với 486 đại biểu, chiếm 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên trong gần 70 năm hoạt động của mình, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Về hoạt động đối ngoại, việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh nghị viện thế giới tại Hà Nội trong tháng 3/2015 là một sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa lịch sử ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội nước ta, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội cũng được tổ chức lại theo hướng đổi mới mô hình tổ chức bộ máy giúp việc có tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hợp lý để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

 

Phần ba:

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC

VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

 

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ sáu đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng đã có những sửa đổi, bổ sung tương ứng. Những quy định này là khuôn khổ pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong các nhiệm kỳ tới.

1. Yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội là rất nặng nề. Theo quy định của Hiến pháp 2013, Quốc hội là có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Quyết định của Quốc hội có ảnh hưởng và chi phối đối với các lĩnh vực khác nhau của hoạt động Nhà nước và đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi việc xem xét và quyết định của Quốc hội phải thực chất, có hiệu lực, hiệu quả.   

Do đó, việc đổi mới Quốc hội trong thời gian tới phải hướng tới mục tiêu bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Theo đó, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:

Thứ nhất, bảo đảm và nâng cao vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; các đại biểu Quốc hội gắn bó một cách chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, phản ánh kịp thời và đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri; bảo đảm các quyết định của Quốc hội thể hiện đầy đủ ý chí chung của nhân dân.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác lập pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm luật, pháp lệnh quy định cụ thể, chi tiết, tăng tính khả thi để được triển khai áp dụng nhanh vào cuộc sống.

Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò của Quốc hội trong quá trình cải cách thể chế, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ tư, đổi mới và nâng cao vai trò của Quốc hội hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế.

2. Phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định nhiệm vụ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, theo đó cần “đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”. Việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải được tiến hành theo những nguyên tắc chung sau đây:

- Bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực sự là Quốc hội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

- Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phù hợp với các nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội.

- Tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.

Nghị quyết của Đảng đã đề ra một số phương hướng cụ thể đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách; có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri.

Thứ hai, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.

Thứ ba, nghiên cứu, giao quyền chất vấn cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Thứ tư, tiếp tục phát huy dân chủ, tính công khai, đối thoại trong thảo luận, hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trước hết là quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; luật, pháp lệnh cần quy định cụ thể, tăng tính khả thi để đưa nhanh vào cuộc sống.

Thứ sáu, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các công trình trọng điểm của quốc gia, việc phân bổ và thực hiện ngân sách; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

*

*      *

Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2016) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại  lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 70 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.

Với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân trong và ngoài nước, Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.270

[2] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.263

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.553.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.12.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.16.

[6] Việt Nam quốc dân công báo, số ngày 29/9/1945

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.363.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.407.

 

 

(Theo tài liệu tuyên truyền của Bộ Thông tin và Truyền thông)  
Tin liên quan:
Icon HÀO KHÍ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
Icon Tổng kết và trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam” tỉnh Kon Tum
Icon ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2015)
Icon Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015)
Icon Đảng Cộng sản Việt Nam và sự đòi hỏi tất yếu của lịch sử
Icon Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2015)
Icon CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 – 07/5/2014)
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE