* Về công tác giám sát: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành 2 cuộc giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2014; Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Khảo sát tình hình di dân, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xây dựng nhà máy thủy điện Đăk Đrinh. Xây dựng kế hoạch và đề nghị các cơ quan có liên quan báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng công trình đường giao thông Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh.
Đoàn đã phối hợp, tham gia 2 Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược; Tuyến đường Trường Sơn Đông (đoạn qua địa bàn Kon Tum). Phối hợp, tham gia 3 Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, Ủy ban các vấn đề xã hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật về khí tượng thủy văn; Tình hình thực hiện Luật người cao tuổi và Luật người khuyết tật; Tình hình thực hiện Ngân sách nhà nước năm 2015 và xây dựng dự toán Ngân sách nhà nước năm 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phân bổ, sử dụng Ngân sách nhà nước cho phát triển một số lĩnh vực sự nghiệp kinh tế giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Về chất vấn và trả lời chất vấn: Tại các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 và thứ 10, đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã thảo luận 2 vấn đề về thực hiện trồng rừng thay thế theo Nghị quyết số 52/2013 và việc thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án công trình thủy điện theo Nghị quyết 62/2013 của Quốc hội. Đồng thời chất vấn bằng văn bản và trực tiếp tại Hội trường đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và 04 vị Bộ trưởng (Giáo dục và Đào tạo; Công an; Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội) về: Tình hình sửa đổi bổ sung Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng bổ sung các chức danh Phó Chủ tịch UBMTTQ cấp xã, Phó trưởng Công an xã, Xã đội phó và Văn phòng Đảng ủy xã, Văn thư UBND xã là cán bộ, công chức cấp xã; Tình hình triển khai Đề án về Chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Giải pháp để ngăn chặn tình hình tội phạm đang có xu hướng gia tăng; giải pháp, lộ trình thực hiện chính sách đối với các bà mẹ có công với cách mạng đủ điều kiện được công nhận là bà mẹ Việt nam anh hùng; Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình, sách giáo khoa phổ thông; Các giải pháp để hạn chế những khó khăn thách thức của nước ta khi ra nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015; Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay, giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
Hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong năm 2015 đã đạt được kết quả theo chương trình, kế hoạch đề ra, có tác dụng thực sự, chỉ rõ các mặt ưu điểm, đồng thời kiến nghị khắc phục những khuyết điểm, tồn tại (kiến nghị với các cấp có thẩm quyền 26 ý kiến kiến nghị, trong đó kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương 6 ý kiến và các cơ quan nhà nước trong tỉnh 20 ý kiến) cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh về pháp luật, cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành công việc của địa phương, của ngành. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững vấn đề, thực hiện giám sát có hiệu quả, từ đó có điều kiện thực hiện tốt hơn quyền chất vấn và giám sát tối cao tại các kỳ họp Quốc hội.
* Về công tác xây dựng pháp luật và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng: Trước các kỳ họp thứ 9 và thứ 10, theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, nhân dân trong tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào 25 dự án luật: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ luật hàng hải (sửa đổi); Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật thú ý; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật tổ chức Chính phủ; Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin mạng; Luật trưng cầu ý dân; Luật khí tượng thủy văn; Luật kế toán (sửa đổi); Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật phí và lệ phí. Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ngành, các cấp tham gia dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời lấy ý kiến tham vấn của ngành tư pháp tham gia Bộ luật dân sự (sửa đổi);
Tại các kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia 50 lượt phát biểu thảo luận tại Hội trường và tại Tổ (20 lượt phát biểu tại Hội trường, 30 lượt phát biểu tại Tổ) với 226 ý kiến tham gia về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và 5 năm 2016-2020; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 và các dự án luật, Bộ luật: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật phí, lệ phí; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật về hội; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương;…
* Về công tác tiếp xúc cử tri: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri 4 đợt (trước và sau kỳ họp thứ 9 và thứ 10) tại 9 Trung tâm huyện, thành phố; 33 xã, phường, thị trấn và Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 02 ngành Y tế, Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum để báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 9 và thứ 10 - Quốc hội khoá XIII và kết quả của kỳ họp, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại các kỳ họp này; nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp và kiến nghị của cử tri với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; với tỉnh.
Tại các buổi tiếp xúc, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp, các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; đồng thời thông báo, giải thích cho cử tri biết những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời. Đối với những vấn đề chưa được trả lời trực tiếp cho cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Kon Tum xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật.
Đoàn đã sao chuyển 9 văn bản trả lời 17 ý kiến cử tri tỉnh Kon Tum của các bộ, ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp-PTNT) đến các cơ quan, tổ chức có liên quan để biết, nghiên cứu thực hiện.
* Về công tác tiếp công dân: Trong năm 2015, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 17 buổi tiếp công dân (trong đó tiếp định kỳ 12 buổi, tiếp đột xuất 05 buổi theo yêu cầu của công dân), tiếp 05 lượt người; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp 12 buổi tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh, tiếp 55 lượt người. Tại các buổi tiếp công dân, đại biểu Quốc hội tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn, giải thích, trả lời 5 công dân những nội dung thuộc thẩm quyền; tiếp nhận đơn, nghiên cứu, xử lý chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định.
* Về tình hình tiếp nhận và xử lý đơn, thư của công dân: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp nhận 70 đơn, thư các loại của công dân trong và ngoài tỉnh (gồm 08 đơn khiếu nại, 31 đơn tố cáo, 31 kiến nghị, phản ánh). Qua xem xét Đoàn đại biểu Quốc hội đã hướng dẫn, trả lời công dân 08 đơn; chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết 06 đơn; lưu 56 đơn không đủ điều kiện xử lý (vì đơn không đủ điều kiện xử lí, đơn thư được gửi nhiều lần nội dung trùng lắp, đơn có đã quyết định giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền...). Các đơn do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời.
* Đoàn luôn duy trì, củng cố mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh theo luật định. Tham gia, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH, ANQP, các hoạt động xã hội của tỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chuẩn bị và tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2016) và Tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016./.