Tại các buổi làm việc tại hội trường này, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua 4 Nghị quyết: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 với các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%... Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng (Nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng ngân sách nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng); Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng; Thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 30 tháng 4 năm 2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng như quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội. Từ ngày 01 tháng 5 năm 2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015. Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.
Đồng thời Quốc hội tiến hành thảo luận các Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về việc chấm dứt hiệu lực thi hành đối với Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật phí, lệ phí; Luật trưng cầu ý dân… Phát biểu tham gia ý kiến thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Y Mửi sau khi đánh giá những kết quả đã đạt được, những yếu kém, tồn tại của việc sử dụng đất đai của nông, lâm trường quốc doanh và nguyên nhân của yếu kếm, tồn tại đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng phối hợp thật chặt chẽ, có trách nhiệm giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, đo đạc cắm mốc phân giới, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng việc hỗ trợ kịp thời các nguồn lực cho các địa phương, trong đó ưu tiên cho việc hỗ trợ kinh phí đo đạc cắm mốc phân giới. Đối với diện tích rừng không có trữ lượng nằm xen kẽ trong diện tích rừng có trữ lượng, giao cho các công ty lâm nghiệp để lập phương án quản lý, bảo vệ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng rừng và nhà nước cấp kinh phí quản lý, bảo vệ rừng như đối với rừng phòng hộ. Xem xét, sớm ban hành một số cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho công ty nông lâm nghiệp khắc phục khó khăn (như: được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp hoặc nông, lâm kết hợp; Được mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước, với nhân dân trong vùng để bảo vệ, phát triển rừng và sản xuất kinh doanh lâm nghiệp). Sớm tổ chức kiểm kê, đánh giá tài nguyên rừng, tổng rà soát sắp xếp các công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên lâm nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 – 2016”.
Đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Tân Mai tiếp tục triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà máy giấy, bột giấy Tân Mai - Đăk Tô để có thị trường đầu ra cho sản phẩm gỗ nguyên liệu rừng trồng, từ đó người dân có thể canh tác bền vững trên nương rẫy bằng cách trồng rừng, nhằm góp phần giảm áp lực đối với việc phá rừng làm nương rẫy. Cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được thuê rừng đặc dụng để trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; cho phép thu tiền thuê rừng để trồng sâm Ngọc Linh bằng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Xem xét cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho các công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên lâm nghiệp hoạt động. Hàng năm bố trí đủ kinh phí để địa phương thực hiện quản lý những diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo đang trong thời kỳ nuôi dưỡng, phục hồi chưa được phép khai thác gỗ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ...
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 2 ý kiến vào Bộ luật hàng hải (sửa đổi) về vấn đề Thuyền viên và Ban quản lý khai thác biển; tham gia 2 ý kiến vào dự thảo Luật phí, lệ phí về việc cần rà lại các loại phí, lệ phí để đưa ra khỏi danh mục những phí, lệ phí thuộc dịch vụ hành chính thuần công và về việc miễn giảm phí, lệ phí.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã cùng với 20 đại biểu Quốc hội của 3 tỉnh Lào Cai, Thừa Thiên-Huế và Sơn La tiến hành 3 buổi thảo luận tổ về Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; các Dự án Luật đấu giá tài sản; Luật tiếp cận thông tin; Luật báo chí (sửa đổi); Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Y Mửi, Tô Văn Tám, Phạm Thị Trung, Nguyễn Vinh Hà và Võ Trọng Việt đã phát biểu tham gia 44 ý kiến đối với những nội dung này./.