Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và đã tham gia 52 ý kiến cụ thể vào dự thảo luật. Về quy định xác định hàm lưọng chất ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015), Đoàn nhất trí quy định cụ thể các trường hợp phải giám định hàm lượng để tính khối lượng hoặc thể tích đối với chất ma túy (đối với 04 trường hợp mà các cơ quan liên ngành đã thống nhất tại Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT gồm: Chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện và chất ma túy trong thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần). Về quy định số lượng, khối lượng, thể tích, giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ định tội, định khung hình phạt (các Điều 190, 191, 232, 234 và 244 của BLHS năm 2015), thống nhất giao Chính phủ ban hành các văn bản liên quan đến định giá các loại hàng hóa này để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Về tình tiết định tội “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về tinh thần đối với người bị hại” (các Điều 172, 173, 174 và 178 BLHS năm 2015) Đoàn nhất trí bỏ quy định “tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về tinh thần đối với người bị hại” mà chỉ giữ lại quy định “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”.
Đối với tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 175; đồng thời đề nghị bỏ quy định “tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”. Vì việc chứng minh thế nào là tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại là rất khó khăn, hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người bị hại, dẫn đến xử lý không chính xác.
Đối với tội phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244), Đoàn đề nghị tên điều này quy định lại là “Tội phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. Đồng thời trong từng khung tội phạm quy định của điều này nên cụ thể hóa thành giá trị thiệt hại bằng tiền như Điều 234 về Tội phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Ví dụ: Một người săn bắt 01 con thỏ vằn (Nesolagus timminsi) hoặc một con gà lôi tía (Tragopan temminckii) và một người săn bắt 01 con bò tót (Bos gaurus) hoặc 01con hổ (Panthera tigris). Trong các trường hợp này nếu không quy định cụ thể giá trị thiệt hại bằng tiền như Điều 234 thì khung hình phạt đối với các trường hợp này là như nhau và như vậy là chưa hợp lý./.