banner
Chủ nhật, ngày 22/12/2024
Tài liệu họp Phiên giải trình tháng 6/2024

TT

Nội dung giải trình

TRẢ LỜI GIẢI TRÌNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ

(Click vào file đính kèm để tải về)

  Chương trình phiên giải trình

  - Chương trình

  - Phụ lục 

1

VỀ GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TRƯỚC VÀ SAU KỲ HỌP THỨ 5 VÀ THỨ 6 HĐND TỈNH KHÓA XII.

Trước kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Khóa XII, cử tri xã Diên Bình, huyện Đăk Tô kiến nghị về việc đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh làm rạn nứt nhà các hộ dân dọc hai bên tuyến đường đoạn qua xã Diên Bình và đề nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Ngày 17/10/2023, UBND tỉnh đã có báo cáo số 374/BC-UBND về kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Khóa XII. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nhiều lần đôn đốc Liên danh Công ty Cổ phần Trường Long và Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Sông Hồng thực hiện (Công ty đã có cam kết số 412/2023/CV-CTY ngày 30 tháng 6 năm 2023 sẽ chuyển số tiền còn lại để chi cho các hộ dân trong năm 2023). Tuy nhiên, việc hỗ trợ đến nay vẫn chưa được thực hiện, gây bức xúc cho cử tri.

Đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực giải trình làm rõ nguyên nhân, giải pháp và thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm vấn đề trên.

  - Công văn UBND tỉnh

2

VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC ĐIỂM QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN.

Để đáp ứng nhu cầu đất san lấp, phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện, thành phố, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại Kỳ họp Chuyên đề tháng 4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030([1]). Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất bổ sung 15 điểm quy hoạch khoáng sản (gồm: 11 điểm quy hoạch đất san lấp([2]); 03 điểm quy hoạch cát làm vật liệu xây dựng([3]) và 01 điểm quy hoạch sét làm gạch ngói([4])).

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tình hình triển khai thực hiện các điểm quy hoạch khoáng sản đã được bổ sung tại Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 25/4/2023, nhất là những điểm quy hoạch đất san lấp, trong đó nêu cụ thể kết quả đấu giá các điểm quy hoạch khoáng sản; khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương có liên quan trong việc chậm triển khai việc đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản (nếu có), nhằm sớm đưa các điểm khoáng sản vào phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

  - Công văn UBND tỉnh

3

VỀ BẢO ĐẢM NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT CHO NGƯỜI DÂN THÀNH PHỐ KON TUM

Thời gian vừa qua, vào dịp cao điểm như Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên địa bàn thành phố Kon Tum đã xảy ra tình trạng cúp nước, mất nước sinh hoạt trên diện rộng, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày cũng như công tác chuẩn bị đón Tết cổ truyền của người dân. Theo phản ánh của nhiều người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum và một số bài báo([5]) phản ánh nước sinh hoạt trên địa bàn chỉ vào được đến cổng nhà hộ dân, nước chảy nhỏ giọt, không chảy lên được đến bồn chứa, nhấc vòi nước lên cách mặt đất 30cm đã không có nước; tình trạng mất nước dịp Tết Nguyên đán đã xảy ra từ vài năm nay, các năm trước chỉ mất nước vào đêm 30 Tết, tuy nhiên năm nay mất nước từ 24/12 Tết kéo dài đến mùng 1 Tết làm các hộ dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Từ thực tiễn phản ánh nêu trên, đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết đơn vị đã thực hiện những biện pháp gì trong việc giúp Ban chỉ đạo tỉnh hướng dẫn các đơn vị xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 3234/KH-UBND ngày 01/12/2017 của UBND tỉnh về cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đồng thời để kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên đơn vị đã có những giải pháp, kế hoạch gì để tham mưu UBND tỉnh đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt vào những tháng mùa khô trong thời gian tới.

  - Báo cáo của Sở Xây dựng

  - Báo cáo Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum

4

VỀ QUẢN LÝ CÁC TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ TƯ THỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây phát triển nhiều trung tâm ngoại ngữ tư thục, là hình thức giáo dục thường xuyên, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh và nhiều đối tượng khác trên địa bàn, đặc biệt thành lập nhiều tại Thành phố Kon Tum. Các trung tâm hiện nay chiêu sinh đa phần là đối tượng học sinh với quy mô và mức học phí khác nhau, kèm theo đó với nhiều chương trình khuyến mãi học phí, trong đó khuyến khích hình thức nộp 1 lần theo khoá học, người học phải theo hết khoá học và không được hoàn lại học phí nếu người học không tiếp tục tham gia khoá học. Qua thực tế phản ánh một số phụ huynh không nắm được điều kiện hoạt động, nội dung, chất lượng giảng dạy có xứng đáng với mức học phí của các trung tâm đưa ra, nên rất đắn đo, cân nhắc khi lựa chọn cơ sở giảng dạy, cũng như lựa chọn tiếp tục theo học khoá học tại trung tâm đối với học viên đã và đang theo khoá học.

Theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo[6] có quy định trách nhiệm của trung tâm ngoại ngữ, tin học:Thực hiện công bố công khai và có trách nhiệm giải trình các cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, các Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và thu chi tài chính của trung tâm theo quy định hiện hành”. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý, chỉ đạo hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiệm vụ quản lý như thế nào đối với việc thực hiện tổ chức và hoạt động của các trung tâm theo quy định pháp luật, nhất là trong thực hiện các cam kết về chất lượng của các trung tâm này.

  - Báo cáo của Sở Giáo dục

  - Báo cáo UBND thành phố

  - Phụ lục kèm theo

5

VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Hiện nay người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ bó hẹp việc sinh hoạt tự cung tự cấp trong gia đình, mà nhu cầu trao đổi, mua bán, tiêu thụ các mặt hàng nhu yếu phẩm ngày càng cao. Bên cạnh việc người dân được cung cấp những mặt hàng nhu yếu phẩm có nhãn mác, hạn sử dụng đảm bảo chất lượng theo quy định thì vẫn còn một số mặt hàng như bánh kẹo, nước ngọt, rượu, bia, kể cả những mặt hàng thực phẩm tươi sống khác... không có nhãn mác, hạn sử dụng, nơi sản xuất, đơn vị cung cấp,.. đang được bày bán hàng ngày, thường xuyên với giá thành rất rẻ (đặc biệt trong đó có nhiều loại thực phẩm như bánh tráng trộn, phô mai lắc, kẹo... không rõ nguồn gốc xuất xứ mà đối tượng tiêu thụ nhiều là các em nhỏ, các em học sinh trên địa bàn). Trong khi đó, khâu kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm ở những vùng này chưa thật sự chặt chẽ và thường xuyên; người dân ở đây ít quan tâm đến nhãn mác, hạn sử dụng chất lượng của sản phẩm mà chỉ quan tâm giá rẻ và những loại nhu yếu phẩm này vẫn được tiêu thụ hàng ngày; việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân và sự phát triển của trẻ em là người đồng bào Dân tộc thiểu số.

Đề nghị đồng chí cho biết với vai trò quản lý Nhà nước về thị trường và lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn trước thực trạng như trên có giải pháp nào để quản lý, kiểm soát tốt vấn đề này trong thời gian đến.

  - Báo cáo của Sở Công thương

  - Công văn của Sở Y tế

6

VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH DU LỊCH KẾT HỢP LÒNG HỒ, MẶT NƯỚC.

Du lịch được xác định là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum. Và trong các loại hình du lịch hiện nay, việc kết hợp lòng hồ, mặt nước khai thác các dự án du lịch trên địa bàn Tỉnh là một vấn đề được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm. Với đa dạng hồ chứa, bao gồm hồ thuỷ điện và hồ thuỷ lợi góp phần phát triển năng lượng tái tạo, nước sinh hoạt và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Và với tiềm năng cảnh quan thiên nhiên lòng hồ, mặt nước như vậy, việc kết hợp lòng hồ, mặt nước khai thác các dự án du lịch trong thời gian qua tuy đã được các nhà làm du lịch quan tâm đầu tư, nhưng thực tế công tác thu hút đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có để khai thác du lịch một cách bền vững và loại hình du lịch này cũng chưa tạo ra được sản phẩm du lịch bền vững, đặc trưng về lâu dài.

Đồng chí Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch cho biết:

- Việc kết hợp lòng hồ, mặt nước khai thác các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như thế nào, đâu là bất cập và cản trở lớn nhất đối với loại hình du lịch này?

- Công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển đối với loại hình du lịch này trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030?

  - Công văn của Sở VHTT và DL

  - Báo cáo UBND huyện Kon Plông

  - Báo cáo UBND huyện Đăk hà

  - Báo cáo UBND huyện  Ia H’Drai 

  - Báo cáo UBND thành phố

  - Báo cáo UBND huyện Sa Thầy

 


([1]) Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 25/4/2023 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 26/2014/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết số 74/2020/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2020 và Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum)

([2]) Tại các huyện: Tu Mơ Rông: 01 điểm; Ngọc Hồi: 01 điểm; Đăk Tô: 01 điểm; Đăk Hà: 01 điểm; Sa Thầy: 02 điểm; Kon Rẫy: 03 điểm và thành phố Kon Tum: 02 điểm.

([3]) Tại các huyện: Đăk Hà: 01 điểm và Kon Plông: 02 điểm.

([4]) Tại thành phố Kon Tum.

[6] Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học