banner
Thứ 3, ngày 31/12/2024
Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức Bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016
1-11-2017
Tại ngày làm việc thứ 6 của Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV, ngày 30-10-2017, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức Bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, Quốc hội đã thảo luận về nội dung này.
Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức Bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016
ĐBQH Tô Văn Tám - tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến về cải cách Bộ máy Nhà nước

Trong quá trình thảo luận, đã có 47 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 08 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, đồng thời phân tích làm rõ, bổ sung nhiều ý kiến, tập trung vào một số nội dung sau: Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của đất nước; Hệ thống văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được hoàn thiện nhưng vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất; một số văn bản chất lượng chưa cao, thiếu tính ổn định, còn làm tăng tổ chức bộ máy, biên chế; Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định nhưng chậm điều chỉnh theo hướng tinh gọn, vẫn còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bên trong các bộ còn nhiều đầu mối, tăng tầng nấc trung gian, tăng biên chế, số lượng cán bộ lãnh đạo; Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương được thực hiện đúng pháp luật nhưng chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; việc phân quyền, phân cấp chưa triệt để, đồng bộ; thôn, tổ dân phố chưa phát huy được vai trò tự quản, có xu hướng trở thành một cấp quản lý ở cơ sở; Còn nhiều bất cập trong quản lý biên chế; tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, cơ cấu chưa hợp lý; Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và đổi mới, sắp xếp lại khu vực đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả thấp; Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức làm việc của bộ máy hành chính chưa gắn kết với yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động); Nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của các ngành, các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu đối với các tồn tại, hạn chế trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Về kiến nghị, giải pháp (đề nghị Chính phủ rà soát hệ thống văn bản pháp luật, đề xuất sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các luật, pháp lệnh, nghị định bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng; triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Chú trọng xây dựng nền hành chính vì dân, hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp; Tăng cường phân quyền, phân cấp, giao quyền chủ động cho địa phương; gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia thảo luận 2 ý kiến về vấn đề đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế. Theo đại biểu chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Chất lượng đội ngũ này tùy thuộc vào năng lực chuyên môn và trình độ văn hóa, pháp lý của họ. Văn hóa pháp lý thể hiện ở 2 khía cạnh, đó là nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật và ứng xử theo các quy định của pháp luật. Các hiện tượng nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền, thờ ơ, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm trước khó khăn và đòi hỏi chính đáng của người dân, hay hiện tượng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí mà dư luận bức xúc đã phản ánh rằng văn hóa pháp lý của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ và trọn vẹn. Họ có thể đạt ở khía cạnh thứ nhất là có nhận thức được và nắm được các quy định của pháp luật, nhưng họ đã không đạt ở khía cạnh thứ hai, đó là họ đã không ứng xử, hành xử, thực thi công vụ theo các quy định của pháp luật. Như vậy, không chỉ là sự suy thoái về phẩm chất đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mà nhìn dưới góc độ văn hóa nói chung và văn hóa pháp lý nói riêng thì đó là sự loạn chuẩn trong hành xử, ứng xử của người được xã hội và nhà nước phân công để thực thi nhiệm vụ, công vụ. Bởi vậy, đề nghị nên bổ sung vào giải pháp thứ 4 nội dung: Bồi dưỡng, xây dựng và nâng cao tầm văn hóa nói chung và văn hóa pháp lý nói riêng cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một thứ tầm văn hóa không đo bởi bằng cấp mà bởi độ sâu sắc của sự hiểu biết, lắng nghe, chia sẻ và trân trọng đối với người được phục vụ, đó là người dân. Như Bác Hồ đã nói "cán bộ, công chức là công bộc của dân".

Các đại biểu Quốc hội cũng tham gia nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức Bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2021 và đề nghị Chính phủ 02 năm/lần báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng
Icon Hoạt động trong tháng 10 và 11/2017 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV
Icon Một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong Quý 3/2017
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp 4 - Quốc hội khóa XIV
Icon Tham gia ý kiến Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)
Icon Hoạt động trong tháng 9/2017 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn từ 01/01/2014 đến ngày 30/6/2017
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE