Làm việc với Đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Đồng chí Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh Kon Tum;…
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo (với tổng nguồn lực giải ngân hơn 8.306 tỷ đồng) đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân (Đến hết năm 2018, tỉnh Kon Tum còn 22.851 hộ nghèo, chiếm 17,29% tổng số hộ dân, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,58%/năm, trong đó hộ nghèo DTTS là 21.392 hộ, bình quân giảm 6,05%/năm, đạt 129,1% so với mục tiêu đề ra. 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường học các cấp và trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập, phổ biến kiến thức cho người dân; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 86,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, được truyền đạt kinh nghiệm sản xuất; 98% đường giao thông xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm;…).
Mặc dù điều kiện nguồn lực địa phương còn hạn chế, ngoài nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án từ ngân sách Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm của từng chương trình, qua đó góp phần nâng cao kết quả thực hiện các chương trình, duy trì và nâng cao kết quả giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế là Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao; còn 04/10 huyện, thành phố chưa đạt kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo so với kế hoạch đề ra; Vẫn còn tình trạng đã thoát nghèo nhưng chây ỳ không trả nợ; vẫn còn tình trạng một số hộ nghèo khi được đưa vào diện điều tra đã cố tình giấu tài sản gây khó khăn trong công tác điều tra; Bộ phận hộ nghèo người DTTS, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh; Việc bố trí nguồn vốn của một số chương trình cho vay tại một số thời điểm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của Nhân dân; Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới áp dụng giai đoạn 2016-2020 theo hướng tiếp cận đa chiều có nhiều điểm mới nên một số địa phương triển khai thực hiện còn lúng túng, sai sót… đó là do các nguyên nhân là một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức trong việc giúp đỡ, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh nên bộ phận hộ nghèo người dân tộc thiểu số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh; Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, còn thiếu kỹ năng trong cung cấp thông tin đến người dân; một bộ phận người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo, sử dụng vốn kém hiệu quả; Nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ cho địa phương chậm, thiếu hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn trong thực hiện. Việc huy động các nguồn lực khác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chính sách hỗ trợ vay vốn làm nhà ở đạt tỷ lệ thấp do số vốn vay cho mỗi hộ dân quá ít (25 triệu đồng/hộ), nguồn lực hỗ trợ từ người thân, cộng đồng hạn chế; Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất còn gặp khó khăn, quỹ đất của các địa phương rất hạn chế, với mức đầu tư của các chính sách còn thấp, không đủ để giải quyết nhu cầu thiếu đất ở, đất sản xuất của các hộ dân tộc thiểu số nghèo...
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hằng năm sớm phân bổ nguồn vốn liên quan để triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ kế hoạch; có cơ chế hỗ trợ kinh phí ăn, nghỉ cho đội ngũ cán bộ xã và cộng đồng khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; ban hành các chính sách hỗ trợ hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo và hướng dẫn cụ thể về cơ chế luân chuyển, mức thu hồi vốn thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp thực tiễn; Nâng định mức hỗ trợ bằng tiền đối với những địa phương không có quỹ đất sản xuẩt chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ 5 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ cho phù hợp với nhu cầu thực tế để các hộ nghèo có đủ kinh phí để mua một con bò giống sinh sản, mua các dụng cụ phục vụ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; Xem xét, nâng mức vốn cho vay đối với hộ nghèo để xây dựng mới nhà ở lên 50 triệu đồng/hộ để hộ nghèo có thể vay vốn làm nhà ở đảm bảo theo diện tích tối thiểu quy định khi không huy động được nguồn vốn khác (ngoài vốn vay)…
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến đã đánh giá các chỉ tiêu về giảm nghèo của tỉnh đều đạt trong thời gian qua; tỉnh đã có chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị cần đánh giá sâu sắc, cụ thể hơn về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo, xác định “trúng” vấn đề để có giải pháp căn cơ hơn. Tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp huyện, xã, đặc biệt là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cao; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực các chính sách có cùng mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện;…