banner
Thứ 3, ngày 26/11/2024
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
11-6-2019
Sáng ngày 10/6/2019, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là dự án luật rất quan trọng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Nghị quyết 18 của Trung ương, Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56 của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật trong thời gian qua..
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và  23 đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu và 2 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận vào nội dung của dự án luật.

Theo đại biểu Tô Văn Tám về Luật Tổ chức Chính phủ có hai vấn đề. Thứ  nhất về sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Điều 23 của dự thảo đã sửa đổi, bổ sung khoản 3a quy định giao Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện với mục tiêu nhằm trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc quyết định, giữ ổn định, hợp nhất, thành lập hoặc không thành lập cơ quan chuyên môn. Đây là sự đổi mới tư duy quan trọng trong quá trình phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính chủ động của địa phương trong việc thành lập cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc điểm, đặc thù của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ngoài tính đặc thù của mỗi địa phương cần đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức các cơ quan chuyên môn trong tổ chức thuộc chính quyền địa phương. Vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định một  số cơ quan chuyên môn cứng ở tất cả địa phương, số còn lại tùy thuộc vào từng địa phương để thành lập các cơ quan chuyên môn. Như vậy, đáp ứng được yêu cầu vừa thống nhất, vừa đa dạng trong tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền địa phương.

Lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước đang đặt ra vấn đề Chính quyền nhà nước hóa thân vào Đảng và Đảng hóa thân vào chính quyền nhà nước. Nên chăng sửa đổi, bổ sung lần này ta cần tiếp cận vấn đề này trong sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nếu tiếp cận vấn đề này trong dự thảo, cần tiếp cận bổ sung theo hướng xác định một số nguyên tắc cơ bản nhằm làm cơ sở nền tảng cho việc sáp nhập một số ngành của chính quyền nhà nước vào một số ban, ngành của cơ quan Đảng khi điều kiện chín muồi, tức là khi điều kiện đã chín muồi ta thực hiện việc này không vướng mắc gì về mặt pháp lý nữa.

Trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có một điểm mà khi tiếp xúc cử tri tôi thấy họ có đặt vấn đề, đó là vấn đề phê chuẩn kết quả bầu cử của Ủy ban nhân dân các cấp. Cấp tỉnh do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Việc phê chuẩn như vậy là cần thiết để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Chính quyền địa phương, cho Ủy ban nhân dân. Nhưng trong khoảng thời gian chờ phê chuẩn, địa vị pháp lý của Uỷ ban nhân dân rõ ràng chưa được xác lập đầy đủ, chưa được xác lập đầy đủ như vậy thì giá trị pháp lý của hoạt động quản lý, chấp hành, điều hành của Ủy ban nhân dân ở đây đặt ra như thế nào? Phải chăng ở đây còn một khoảng trống pháp lý. Nên chăng ở đây chúng ta xử lý theo hướng bổ sung một quy định là trong thời gian chờ phê chuẩn, Ủy ban nhân dân được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, như vậy lấp được khoảng trống này.

Thứ hai, về việc giảm số lượng cấp Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và giảm số lượng Trưởng, Phó ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Chúng ta thấy rằng, quan điểm của Đảng có 2 điểm rất quan trọng, đó là tinh giản nhưng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ở đây, vấn đề là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân là vấn đề đặt ra rất cấp thiết hiện nay. Khi chúng ta bàn về vấn đề có bỏ Hội đồng cấp huyện, quận, phường hay không, tính mãi chuyện hiệu quả tại sao ta lại bỏ đi không tính chuyện nâng lên. Sau đó chúng ta lại giữ và theo hướng phải nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Bây giờ vấn đề là bỏ một Phó Chủ tịch hay bỏ số lượng các Trưởng, Phó ban chuyên trách. Tôi nghĩ vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần số lượng, vấn đề chúng ta phải đánh giá cho được số lượng hoàn thành với công việc hoàn thành thì hiệu quả Hội đồng nhân dân có được nâng lên hay không? Nếu giảm đi theo phương án của Chính phủ thì có làm giảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân không hay là nâng lên? Nếu giảm đi mà nâng lên được thì ta giảm. Chỗ này chúng ta đánh giá chưa đầy đủ, thông tin chưa rõ. Nếu nâng 1 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lên, thực ra chúng ta chỉ nâng 1 Ủy viên Thường trực cũ thôi. Khi sửa luật có nói là bỏ Thường trực hay nâng lên Phó Chủ tịch. Sau đó là để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, cho nên tăng lên 1 Phó Chủ tịch. Vấn đề ở chỗ là đánh giá cho được hiệu quả hoạt động như thế nào, có được hiệu quả không?

Về Thường trực Hội đồng nhân dân, trong này có Chánh văn phòng, sắp tới nếu chúng ta nhập 3 văn phòng lại, có thêm Ủy ban nữa thì Chánh Văn phòng này là Thường trực Hội đồng nhân dân liệu có ổn không? Vấn đề này cần cân nhắc thêm.

Thứ ba, vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Đại biểu Hoa đã nói rất rõ rồi. Chúng tôi chỉ bổ sung thêm thế này. Vấn đề phân cấp, phân quyền là cần thiết và để đảm bảo tính khả thi của vấn đề ủy quyền. Dự thảo đã bổ sung quy định rõ hơn phân cấp, phân quyền phải gắn với trách nhiệm của chính quyền, tổ chức, cá nhân, đảm bảo điều kiện về nguồn lực cho địa phương để thực hiện. Quy định rõ hơn, cụ thể hơn việc ủy quyền các cơ quan, cá nhân được ủy quyền. Trách nhiệm của các cơ quan được ủy quyền và các điều kiện đảm bảo thực hiện. Bổ sung này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 14 có quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền. Hai giả định này đều không ở thể khẳng định mà không khẳng định thì tính khả thi của ủy quyền này không cao. Quy định những việc cần ủy quyền khó có thể quy định trong luật, tùy thuộc thực tiễn quá trình quản lý để xác định việc ủy quyền. Dự thảo luật đặt vấn đề "trong trường hợp cần thiết" tôi cho rằng phù hợp nhưng khi chủ thể quản lý xác định cần thiết thì khẳng định phải ủy quyền, đảm bảo yêu cầu quản lý và đảm bảo tính thực hiện của ủy quyền./.

 

Hồ Nam-VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ Ba của kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV
Icon Quốc hội tiến hành Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 đối với lĩnh vực xây dựng
Icon Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV
Icon QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV
Icon Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE