Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Y Nhàn và 23 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu ý kiến thảo luận về Triết lý giáo dục; Chính sách phát triển giáo dục; Ngân sách nhà nước cho giáo dục; các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục; Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; Loại cơ sở giáo dục; Chương trình sách giáo khoa; Thi tốt nghiệp phổ thông trung học; Đầu tư tài chính trong hệ thống giáo dục; Trình độ chuẩn nhà giáo và chế độ chính sách đối với nhà giáo;…
Đại biểu Y Nhàn đã phát biểu tham gia 5 ý kiến vào dự án luật này về các hành vi bị cấm trong cơ sở giáo dục; mục tiêu giáo dục phổ thông; Quy định trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; Nhiệm vụ của nhà giáo… Theo đại biểu Y Nhàn, tại Điều 21 quy định các vấn đề cấm lợi dụng các hoạt động, trong đó có nội dung cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên thực tế, không những có những hiện tượng xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn có hiện tượng xuyên tạc lịch sử, thậm chí bôi nhọ lịch sử, phủ nhận lịch sử. Bởi vậy, đề nghị bổ sung việc nghiêm cấm hiện tượng này trong giáo dục. Như vậy, điều luật này nên được bổ sung thành “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử”.
Về các hành vi bị cấm trong cơ sở giáo dục, tại Điều 22 đã quy định các hành vi bị cấm khá đầy đủ và có tính khái quát. Tại khoản 4 mới quy định hành vi hút thuốc, uống rượu, bia là chưa đủ. Đề nghị bổ sung thêm các chất kích thích khác như vậy sẽ đầy đủ hơn.
Về quy định trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân tại Điều 48. Tại khoản 1 xác định các trường này có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Xác định như vậy là chưa đủ, các trường này còn một nhiệm vụ quan trọng nữa đó là nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận về cán bộ và công chức và công tác cán bộ, công chức. Trên thực tế các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng như Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện hành chính quốc gia, các trường Chính trị tỉnh, các trường của các tổ chức xã hội khác đã và đang thực hiện nhiệm vụ này. Bởi vậy, đề nghị bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tổng kết ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn ứng dụng khoa học công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo.
Về nhiệm vụ của nhà giáo tại khoản 1 Điều 69 quy định giáo dục giảng dạy theo mục tiêu nguyên lý giáo dục thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục, chúng ta biết rằng hiệu quả giáo dục giảng dạy là yêu cầu quan trọng của nhà giáo, như vậy cần bổ sung vào nhiệm vụ này như sau: Giáo dục giảng dạy có hiệu quả theo mục tiêu, nguyên lý, nội dung chương trình giáo dục./.