Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 18 đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu và 5 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận vào nội dung của dự án luật.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, đối với vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài quy định trong dự thảo (đối với Luật cán bộ, công chức). Việc phát hiện và trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới. Ngày xưa cha ông ta đã làm và gọi họ là những nguyên khí của quốc gia. Dưới chính thể mới, ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng chính quyền thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc tìm kiếm, tiến cử và trọng dụng nhân tài. Người cho rằng, nhân tài không thiếu trong dân chúng, chỉ e Chính phủ không nghe, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Người cũng cho rằng, phát hiện nhân tài không chỉ qua đào tạo ở trường hay tuyển chọn qua thi cử bằng cấp mà còn phải tìm trong nhân dân. Từ đó, Người quan niệm rất giản dị về nhân tài rằng nhân tài chính là người có năng lực, nhân tài ở trong quần chúng, nhân tài cần phải được thừa nhận trên thực tế, không phải ở dạng tiềm năng, họ phải thực tế góp phần vào sự phát triển của xã hội v.v... những tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và đã được Đảng, Nhà nước kế thừa và phát huy. Chủ trương đó của Đảng đang từng bước được luật hóa để đảm bảo thực hiện.
Sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức lần này được cụ thể hóa thêm về chính sách đối với nhân tài là hết sức cần thiết, các chính sách đó được thể hiện ở Điều 6 của dự thảo luật. Tuy nhiên, nhân tài là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong xã hội và đang có nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài, nhưng chưa có văn bản nào của Đảng và Nhà nước xác định rõ ràng về khái niệm nhân tài. Đề nghị nên luật hóa những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài bằng việc bổ sung vào Điều 6 quy định những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài để từ đó làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát triển, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, nêu phương thức phát hiện nhân tài theo hướng tuyển chọn, tiến cử đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Về đánh giá cán bộ, công chức là một khâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ. Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng để bố trí sử dụng đào tạo quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, công chức cũng như để loại bỏ cán bộ, công chức không đủ năng lực, uy tín, phẩm chất ra khỏi bộ máy nhà nước. Quá trình đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua chưa đáp ứng được như mong đợi của chúng ta. (Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ tổng hợp của các địa phương chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ). Dư luận đang nghi ngờ về tính chính xác của số liệu này. Cử tri còn nhớ Thủ tướng có lần nói rằng, khoảng 30% cán bộ, công chức ở tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Điều đó cho thấy công tác đánh giá cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể, các tiêu chí đánh giá còn nặng định tính nên chung chung, chưa định lượng được. Dự thảo lần này có những sửa đổi, bổ sung quan trọng tại Điều 56 quy định nội dung đánh giá công chức với những nội dung như thế là khá rõ và lượng hóa được một số nội dung. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định phương pháp đánh giá như thế nào để có kết quả đánh giá chính xác. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ công chức, theo hướng dựa trên kết quả điều tra, sát hạch định kỳ hay thăm dò ý kiến nhân dân hay bỏ phiếu v.v...
Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 7
Về kỷ luật đối với cán bộ, công chức tại Điều 79, theo đại biểu Tô Văn Tám thấy có 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là về hình thức kỷ luật giáng chức, Tờ trình của Chính phủ đã đưa ra 2 phương án và lựa chọn phương án trình là không tiếp tục quy định kỷ luật giáng chức với 2 lý do (Lý do thứ nhất là nếu quy định 2 hình thức giáng chức và cách chức thì dễ dẫn đến tình trạng nể nang. Lý do thứ hai là nếu giữ hình thức giáng chức thì không phù hợp với vị trí, việc làm, vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý). Với 2 lý do nêu trên thì tính thuyết phục chưa cao, vì nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền. Lỗi này có thể chấn chỉnh được trong quá trình nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức. Nếu vì lý do là vị trí đã được xác định đủ thì trong cơ quan, đơn vị khi đã thực hiện các vị trí việc làm xong rồi thì kể cả các vị trí của chuyên viên cũng được xác định và bố trí đủ hết. Trong khi đó lại chưa thể cho thôi việc, bởi vì mới chỉ là giáng chức, chưa phải cho thôi việc. Do vậy, vẫn phải sử dụng người này vào làm việc mà vị trí kể cả chuyên viên cũng đã hết. Đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức là cần thiết như phân tích trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đồng thời, cũng phù hợp với nguyên tắc có thăng, có giáng trong công tác cán bộ. Vấn đề thứ hai, tại khoản 3 quy định công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực. Đại biểu Tô Văn Tám thấy rằng cần tính đến trường hợp công chức bị kết án oan, trong trường hợp này công chức cần phải được khôi phục lại việc làm. Vì vậy nên bổ sung vào khoản 3 là trường hợp bị kết án oan thì được trở lại làm việc.
Đồng thời, tại sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 82 có quy định cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Ở đây đề nghị bổ sung là trong trường hợp đã được quy hoạch rồi thì phải đưa ra khỏi quy hoạch./.