Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của dự thảo Luật này; Đồng thời tham gia 11 ý kiến cụ thể vào dự án luật. Tại Khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật, Đoàn thống nhất chọn Phương án 2, việc lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cần thiết, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vì từ ngày 01/01/2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, do đó, nhu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Bên cạnh đó hiện nay mới chỉ có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải, làm kéo dài thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án, tạm giam nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Do đó, việc bổ sung quy định trên là nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều này cũng phù hợp với mô hình hệ thống các cơ quan điều tra hiện nay (thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) đều có tổ chức GĐTP kỹ thuật hình sự hỗ trợ. Ngoài ra nếu chỉ có một cơ quan giám định về âm thanh, hình ảnh cũng không đảm bảo tính khách quan.
Tại Khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “đ) Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định hoặc người thân thích của người giám định khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người giám định hoặc người thân thích của người giám định bị đe dọa do việc thực hiện giám định, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định”. Đoàn đề nghị làm rõ “người thân thích” là những người nào để có cơ sở thực hiện, vì người thân thích là khái niệm rộng nên gây khó khăn cho người trưng cầu giám định trong việc xác định đối tượng để bảo vệ.
Hiện nay, xảy ra nhiều trường hợp trong giám định mà luật chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là quy định về giám định lại (Điều 211 Bộ Luật Tố tụng hình sự), do đó, cần sửa đổi, bổ sung thêm nội dung về tại khoản 2 Điều 29 Luật Giám định tư pháp, bởi lẽ: Thực tiễn xét xử án hình sự cho thấy, không ít vụ án cả bị hại và bị cáo đều yêu cầu được giám định lại thương tật. Trong khi đó, pháp luật chưa quy định trường hợp nào được chấp nhận, và việc giám định lại được thực hiện bao nhiêu lần. Khi giám định lại thì cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết quả giám định nào (kết quả giám định lần đầu hay kết quả giám định lại hoặc kết quả giám định lại lần thứ hai) để làm căn cứ truy tố và xét xử. Có được lấy kết luận giám định lần 1 để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm, kết luận lần 2 được dùng để xem xét lượng hình (theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo). Hơn nữa, luật cũng không quy định rõ thời điểm nào được yêu cầu đề nghị giám định lại, ví dụ bị hại được giám định tại thời điểm xảy ra vụ việc với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 47%, bị cáo không có ý kiến gì với kết luận. Tuy nhiên, sau 2 tháng vết thương đã ổn định, lúc này bị cáo cho rằng bị hại có khả năng hồi phục nên nghi ngờ kết quả giám định lần đầu cao so với tỷ lệ thương tích gây ra, yêu cầu được giám định lại.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về tiến hành giám định thương tật qua hồ sơ bệnh án để tránh bỏ lọt tội phạm; Quy định cụ thể về các biện pháp cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện và quy định trình cụ thể đối với những trường hợp người bị hại từ chối hoặc không hợp tác giám định tư pháp./.