banner
Thứ 6, ngày 27/12/2024
THẤY GÌ QUA KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
4-6-2020
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là những công dân đặc biệt được nhà nước, gia đình và xã hội chăm sóc trong môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần, việc bảo vệ chăm sóc giáo dục, đảm bảo quyền trẻ em được sống an toàn hạnh phúc là đảm bảo cho tương lai phát triển bền vững của đất nước. Vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã và đang được Đảng và nhà nước hết sức coi trọng và là một nội dung trong công tác lãnh đạo của Đảng. Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 55/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chỉ thị số 20/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nhà nước ta đã phê chuẩn tham gia công ước quốc tế về quyền trẻ em, đã ban hành Luật trẻ em, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự..v.v Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 22 văn bản pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em, các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em. Công tác xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về trẻ em kể cũng đã lắm công phu, cùng với sự nỗ lực tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương công tác bảo vệ phòng chống xâm hại trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên phạm vi toàn quốc, kết quả báo cáo giám sát cho thấy đã đánh giá đầy đủ và toàn diện những thành tựu của công tác này.
THẤY GÌ QUA KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, những tồn tại hạn chế đáng quan tâm, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Tính từ 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019 cả nước đã phát hiện, xử lý hình sự và hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại, trong đó đáng lưu ý là xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao 6.432 trẻ em chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại, có trường hợp có địa phương tỷ lệ này chiếm trên 90%, 857 trẻ em bị bạo lực, mua bán bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em 106 trẻ em, các hình thức xâm hại khác 1.314 trẻ em. Số trẻ em bị xâm hại được phát hiện và xử lý trong giai đoạn 2011-2015 là 7.211 trẻ em, số trẻ em bị xâm hại giai đoạn 2015-2018 là 7.309 trẻ em tăng 98 trẻ em, đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm 2019 số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến với 1.400 trẻ em gần bằng 80% số trẻ em bị xâm hại năm 2018. Qua giám sát cũng cho thấy, còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, có thể nói những số liệu trên mới là phần nổi của tảng băng chìm. Báo cáo cũng chỉ ra ngoài số trẻ em bị xâm hại bởi các hình thức trên còn có 709.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, 156.932 trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em 15 tuổi tảo hôn. Đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có đối tượng là người lạ, có đối tượng là người quen biết trẻ em, có đối tượng là người thân thích trong nhà, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ hưu trí, người cao tuổi vv…, có những trường hợp bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến mang thai, đẻ con, có trường hợp giết con mang tính chất man rợ, mất nhân tính… thủ đoạn xâm hại ngày càng đa dạng, tinh vi và phức tạp. Trẻ em bị xâm hại sẽ để lại di chứng nặng nề rất lâu dài, phía sau mỗi hành vi xâm hại nhất là xâm hại tình dục, ngoài tuổi thơ bị đánh cắp thì nạn nhân còn mang theo tâm hồn tổn thương nặng nề trong tương lai, thâm chí là gieo mầm của sự thù hận. Báo cáo giám sát cho thấy nhiều khoảng sáng trong quá trình thực hiện chính sách về phòng chống xâm hại trẻ em, nhưng thực trạng của vấn đề này cho chúng ta thấy, trẻ em đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất của gia đình, của nhà nước và của xã hội, lại đang là những nạn nhân, những đối tượng của vấn nạn xâm hại, kết quả giám sát cũng cho ta thấy góc nhìn của vấn đề, cũng như mối nguy hiểm có thể rình rập các em ở bất cứ nơi nào. Đâu là nơi an toàn cho trẻ em, vẫn là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ, ở nhà ư, cũng không an toàn, nhiều nạn nhân bị xâm hại ngay tại chính nhà của mình, trẻ em không chỉ bị xâm hại ở nông thôn mà ở đô thị, trong thang máy chung cư, công viên, trường học cũng bị xâm hại, ngay cả Trung tâm bảo trợ xã hội nơi tưởng như chỉ để bảo vệ trẻ em mà trẻ em cũng bị xâm hại. Trẻ em bị xâm hại là nỗi đau của gia đình, là mối quan tâm của nhà nước và xã hội, các đối tượng có hành vi xâm hại đã và sẽ phải bị xử lý thích đáng, các đối tượng bị xâm hại đã và đang được hỗ trợ, can thiệp để hạn chế những tổ thất về tinh thần và thể chất mà trẻ em phải chịu đựng, với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em, cho đến 30/6/2019 đã có 8.337 trẻ em bị xâm hại được các địa phương hỗ trợ, can thiệp, chiếm 95,72% tổng số trẻ em bị xâm hại được phát hiện xử lý, những vụ việc nghiêm trọng bức xúc được dư luận quan tâm được Chính phủ, Bộ lao động - thương binh xã hội can thiệp kịp thời, trong các cơ sở giáo dục khi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em thì 100% trẻ em bị xâm hại đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời… Việc giảm thiểu, ngăn chặn và loại trừ các hành vi xâm hại trẻ em vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, báo cáo giám sát đã có những giải pháp kiến nghị hết sức sát thực và khả thi, có thể thấy dưới các góc độ sau: thứ nhất, hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Thứ hai, việc tuyên truyền giáo dục chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi vậy việc này phải được nâng lên thành chiến lược truyền thông giáo dục sâu rộng để trang bị cho các bậc phụ huynh, giáo viên, các thành viên cộng đồng và trẻ em các kiến thức, các kỹ năng bảo vệ trẻ em, kỹ năng cho trẻ em chống lại các hành vi xâm hại. Thứ ba, thay đổi hành vi của mỗi con người và giải quyết các yếu tố góp phần gây ra các hành vi xâm hại trẻ em, bao gồm những bất bình đẳng về kinh tế xã hội, những chuẩn mực xã hội và văn hóa đã lạc hậu, và những tác động tiêu cực của mạng xã hội đang dung dưỡng cho những hành vi lệch chuẩn. Thứ tư, kiên quyết vận dụng những chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật đảm bảo tính răn đe để trừng trị những hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền cơ sở. Thứ năm, để giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật, ngoài việc hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động trẻ em, cần xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em, xây dựng các gói hỗ trợ lao động trẻ em và các gia đình có lao động trẻ em./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN QUAN TÂM ĐỂ HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP)
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon Tham gia xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động trong tháng 5 và 6/2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Tham gia ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Icon Tham gia Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE