Tham dự lễ khởi công, về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố và bà con vùng dự án.
Về phía tỉnh bạn, có đồng chí Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Về phía Tập đoàn TH có bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn; ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chiến lược cấp cao Tập đoàn; ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn; ông Nguyễn Sỹ Hậu - Tổng Giám đốc CTCP Bò sữa công nghệ cao Kon Tum.
Dự án được triển khai trên diện tích 441 ha với quy mô nuôi tập trung 10.000 con. Ngoài ra, Dự án còn dự kiến liên kết với nông dân nuôi 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao. Công suất nhà máy chế biến sữa đạt 150 tấn/ngày. Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn nhất của vùng Tây Nguyên hiện nay với tổng vốn đầu tư 2.544 tỷ đồng.
Dự án này có thể coi là đặt nền móng cho sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Kon Tum. Theo kế hoạch, dự án được thực hiện theo hai mô hình: Mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao.
Với mô hình chăn nuôi tập trung, Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Kon Tum xây dựng một cụm trang trại quy mô 10.000 con bò sữa trên diện tích 60 ha cùng vùng nguyên liệu rộng lớn 378 ha.
Cụm trang trại thiết kế và vận hành bằng công nghệ chăn nuôi bò sữa tiên tiến của Israel, quản lý đàn bằng hệ thống vi tính 100% và dàn máy móc tự động, hiện đại hàng đầu thế giới.
Trạng trại bò sữa của TH tại Kon Tum sẽ chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho bò bằng việc sử dụng nguồn cỏ, ngô trồng tại địa phương, đồng thời nhân giống, phát triển các giống cây trồng khác, hướng dẫn và khuyến khích bà con nông dân trong khu vực trồng các loại cây nguyên liệu và bao tiêu đầu ra cho cho các nông hộ.
Với mô hình chăn nuôi liên kết với người nông dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao, Dự án đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa theo mô hình này lên 20.000 con, quy mô 5-10 con bò sữa/hộ. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình.
Tham gia vào hợp tác xã công nghệ cao, bà con nông dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại; được hỗ trợ về thú y; được hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.
Thời điểm khởi công Dự án tại Kon Tum, đã có trên 20 hộ trong khu vực sẵn sàng kí cam kết tham gia vào mô hình hợp tác xã để nhận chuyển giao công nghệ 4.0 từ Tập đoàn TH.
Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum cũng sẽ đi theo hướng kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế đã được triển khai bài bản tại TH, thể hiện ở quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của TH trong 10 năm qua.
Dự án là bước tiếp theo trong lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH true MILK trải dài khắp đất nước với các trang trại tại Nghệ An, Hà Giang, Phú Yên, Thanh Hóa và sắp tới là An Giang, Cao Bằng, với mục tiêu tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân của TH đạt 400.000 con.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa mong rằng trong thời gian đến, bà Thái Hương và Tập đoàn TH tiếp tục quan tâm triển khai các dự án có quy mô lớn đang dự kiến đầu tư tại tỉnh như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhà vườn du lịch xanh TH Kon Tum; trồng và chế biến dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái tại huyện Kon Plông; trồng cây ăn quả hữu cơ kết hợp du lịch trang trại tại huyện Ia H’Drai; trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch tại huyện Đăk Hà và Đăk Tô; trồng cây ăn quả và nhà máy chế biến hoa quả kết hợp du lịch trang trại tại huyện Kon Rẫy... với tổng mức đầu tư hơn 7.545 tỷ đồng.
Các dự án được triển khai sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo diện mạo mới và nâng cao vị thế cho ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế của cả tỉnh Kon Tum nói chung.
Để triển khai thi công đảm bảo chất lượng, sớm hoàn thành theo kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người dân, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hòa đề nghị chủ đầu tư, tập trung nguồn lực và chỉ đạo đơn vị thi công có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm hoàn thành theo kế hoạch, đảm bảo yêu cầu chất lượng xây dựng các công trình; chú trọng thực hiện công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức và sinh hoạt của người dân trong khu vực…