Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Chủ trì Hội nghị thông báo một số điểm trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; nghe Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải trình bày dự kiến phân bổ số lượng và cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XV và Phương án dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; nghe Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Thao Hồng Sơn trình bày dự kiến số lượng người của từng cơ quan, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh.
Hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất cơ cấu thành phần. Cụ thể: Về đại biểu Quốc hội, gồm: 02 đại biểu do Trung ương giới thiệu; 04 đại biểu là người cư trú và làm việc tại địa phương. Theo quy định hiện hành, tỉnh Kon Tum được bầu 51 đại biểu HĐND tỉnh. Trong đó: Thường trực Tỉnh ủy 01; lãnh đạo các Ban của Tỉnh ủy 02; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh 02; Trưởng, Phó các Ban của HĐND tỉnh 08; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh 01; lãnh đạo UBND tỉnh 02; lãnh đạo sở 02; Mặt trận và các đoàn thể 05; Lực lượng vũ trang 03; đơn vị kinh tế 02; đơn vị trực thuộc Sở Y tế 01; thành phố Kon Tum 04; các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ia H’Drai mỗi huyện 02 đại biểu. Hội nghị cũng thống nhất việc phân bổ phải có số dư, đồng thời phải có người để bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.