Phát biểu tham gia thảo luận tại tổ về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh cho biết Nghị quyết số 24 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đề ra 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020. Tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ: Cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, DNNN và các TCTD; Cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và khu vực công; Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất với nội dung đánh giá tại báo cáo 424/BS-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ, trình quốc hội.
Đại biểu cũng cơ bản thống nhất các nội dung đã được xác định trong Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đồng thời, đề nghị bổ sung và quan tâm triển khai, thực hiện hiệu quả một số nội dung:
Đối với Doanh nghiệp NN, cần có các biện pháp cụ thể để cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN. Kiên quyết và kịp thời xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp NN hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, dự án đầu tư kém hiệu quả do lỗi chủ quan.
Về phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân; trong đó, chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến việc ban hành các quy định, điều kiện về kinh doanh để tạo thuận lợi cho hoạt động của DN. Có chính sách khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới của DN, nhất là đối với các DN có năng lực cạnh tranh quốc tế nhằm phát huy cao nhất sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân cho nền kinh tế của đất nước.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị cần chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích các địa phương trong việc xác định, ưu tiên phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, dược liệu lợi thế, phù hợp với đặc điển khí hậu, thổ nhưỡng vùng miền…. Củng cố và phát huy mô hình hợp tác xã trong việc định hướng và tổ chức để người dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với lợi thế của địa phương.