Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đã cùng 28 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu ý kiến. Nội dung ý kiến các đại biểu Quốc hội chủ yếu tập trung vào việc đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có đề cập nhiều đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Các giải pháp về phát triển kinh tế, du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá…
Theo đại biểu Tô Văn Tám, năm 2021 và đầu năm 2022 chúng ta vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức mà như Tổng Bí thư đã nói là khó khăn chồng chất khó khăn. Hậu quả nặng nề của đại dịch vẫn tác động sâu, rộng đến sản xuất, kinh doanh, nhưng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vẫn đạt được nhiều thành quả tích cực. Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế vẫn tăng trưởng dương đạt là 5,03%, chính trị, xã hội ổn định, vẫn là môi trường tốt cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công SEA Games lần thứ 31, không chỉ là thành tích cao của thể thao nước nhà mà còn chứng minh Việt Nam đang tự tin mở cửa du lịch với khu vực và thế giới. Chúng ta đã hoàn toàn ở trạng thái bình thường mới và chiến lược vaccine là một nhân tố quan trọng và hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong chiến lược này có hai điểm trọng tâm đáng chú ý, đó là ngoại giao vaccine và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Những nỗ lực ngoại giao vaccine thông qua hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và ngoại giao nhân dân đã thành công. Điều đó chứng tỏ Việt Nam không đơn độc trước những thử thách của đại dịch, của hoàn cảnh, bất chấp những tranh chấp lịch sử, những khác biệt về thể chế chính trị, nước ta vẫn có và giữ được mối quan hệ tốt đẹp bằng hữu với các quốc gia và các tổ chức trên thế giới. Điều đó cũng chứng tỏ đường lối đối ngoại nói chung và đối ngoại vaccine nói riêng của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và chính xác. Cử tri và dư luận đánh giá cao thành công này.
Điểm thứ hai, về nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Ngay khi đại dịch xảy ra, chúng ta đã chủ trương nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 trong nước để chủ động nguồn cung cho phòng, chống dịch, chủ trương đó là đúng và cần thiết. Từ tháng 5/2020 đã bắt đầu nghiên cứu phát triển thử nghiệm vaccine của Việt Nam và kỳ vọng đến cuối quý III năm 2021 sẽ có vaccine của Việt Nam để sử dụng; Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có vaccine thương hiệu Việt Nam. Cần đánh giá rõ thêm quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine? có tiếp tục nghiên cứu, sản xuất như thế nào, triển vọng của vaccine Việt Nam?
- Bất cứ một chính sách nào được ban hành cũng có nguy cơ bị lợi dụng, trục lợi. Bởi vậy, khi ban hành các chính sách, nhất là các chính sách cấp bách phòng, chống COVID-19, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm phòng, chống nguy cơ này. Rất tiếc là hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong phòng, chống dịch đã xảy ra, nó xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau từ hoạt động phân phối các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh đến các hoạt động mang tính nhân đạo như giải cứu lao động về nước mà Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh, đến các hoạt động mua, bán, sản xuất thiết bị phòng, chống dịch, v.v. khiến cử tri và dư luận hết sức bất bình. Những hành vi đó đã, đang và sẽ bị xử lý nghiêm minh và họ đã và đang đứng trước pháp đình để chịu sự phán xử nghiêm khắc của pháp luật hình sự, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều đó không chỉ thể hiện thái độ không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước mà còn chứng minh rằng không có vùng cấm trong quá trình xử lý các sai phạm. Cử tri và dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn đặt vấn đề đằng sau những hành vi đó là gì, có sự bắt tay cấu kết của những hành vi trục lợi này không? Nếu có thì sao lại có những bắt tay cấu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch như vậy, những vấn đề đó cần được tiếp tục làm rõ trong quá trình xử lý các sai phạm trên
- Những tháng gần đây, động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Nguyên nhân, theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam là động đất kích thích do hồ chứa nước. Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra ở Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương khác khi hồ chứa thủy điện tích nước. Vấn đề là mối liên hệ giữa hiện tượng động đất với việc tích nước có mức độ nguy hiểm đến đâu để từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp là vấn đề cần được quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Không chỉ hiện tượng động đất mà còn những vấn đề của hậu thủy điện cũng chưa được xử lý một cách trọn vẹn, như những bất cập trong việc tái định canh, định cư, vẫn còn nhiều hộ dân tái định cư không có đủ đất sản xuất hoặc thiếu nước, thiếu đất trồng lúa nước, dẫn đến nguy cơ thiếu lương thực hoặc tái nghèo. Giải quyết vấn đề đền bù thiệt hại cho người dân, ví dụ như ở thủy điện Đăk Đrinh của Kon Tum đã hoàn thành hơn 10 năm nay rồi nhưng việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng vẫn còn một số tồn tại chưa giải quyết xong, vấn đề trồng rừng thay thế, vấn đề quản lý, vận hành hồ chứa, nhất là vào mùa mưa lũ, v.v.. Không thể phủ nhận đóng góp to lớn của thủy điện trong an ninh năng lượng quốc gia cũng như những lợi ích của hồ, đập trong điều tiết môi trường, cảnh quan du lịch và sinh kế của người dân nhưng những vấn đề bất cập nêu trên vẫn đang là một thực tế. Đề nghị Chính phủ rà soát lại những vấn đề trên để tiếp tục có các giải pháp giải quyết phù hợp, nhằm đảm bảo hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển./.