Tại các phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 6 ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm thời gian qua; Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế, chính sách của các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Sớm quan tâm chỉ đạo rà soát, có các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và là lực cản rất lớn đối với việc phát triển của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay; Sớm ban hành các chính sách phù hợp triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh Tây Nguyên khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế hiện có về nguồn năng lượng tái tạo để phát triển các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời nhằm từng bước giúp Tây Nguyên trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước;... Đại biểu Phạm Đình Thanh đã tiếp tục gửi văn bản tham gia 4 ý kiến, kiến nghị đến Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội về việc trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải, đề nghị Chính phủ quan tâm, cho ý kiến đối với việc bổ sung Quy hoạch sân bay Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải sử dụng nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 hoặc nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để hỗ trợ tỉnh Kon Tum đầu tư các cầu còn lại trên đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh;... Xem xét, sửa đổi, quy định theo hướng bổ sung cơ chế đặc thù nhằm tạo thuận lợi xử lý tình huống cấp bách đối với việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống lưới điện đối với vị trí móng trụ điện, hành lang bảo vệ lưới điện truyền tải, phân phối khi tuyến đường dây điện đi qua khu vực có rừng; Quan tâm xem xét điều chỉnh nâng mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho hộ nghèo, hộ chính sách;... Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu 01 ý kiến tranh luận về hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm và các giải pháp để khắc phục hiện tượng này.
Tại phiên thảo luận về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;... đại biểu Nàng Xô Vi đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về tiến độ xây dựng, ban hành chính sách và các quy định về quản lý, tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của các bộ, ngành trung ương chưa đồng bộ, kịp thời; đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu thực hiện việc ra thông báo dự kiến kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025; Cần quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình theo quy định hiện nay; Có chính sách hỗ trợ phù hợp với các đối tượng trong thời gian chuyển tiếp của chính sách từ các xã khu vực 2, khu vực 3 nay chuyển lên khu vực 1 theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ;...
Tại Phiên thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 5 ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, để tương xứng với công sức của họ khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu và đặc thù công việc; Đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã; Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và hỗ trợ thỏa đáng về các nguồn lực khác để y tế cơ sở đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với các đơn vị hoạt động phụ thuộc chủ yếu từ nguồn phân bổ của ngân sách nhà nước;...
Tại Phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Phước đã phát biểu tham gia 3 ý kiến về dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan; Cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Trong tuần này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo Nghị quyết, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được bổ sung như sau: Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) đối với 06 dự án luật (Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản);… Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 09 luật, 01 nghị quyết: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến 09 dự án luật (Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật). Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 09 luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với 2 dự án luật (Luật Chuyển đổi giới tính và dự án Luật Việc làm (sửa đổi)).
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã cùng 22 đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hóa và Tiền Giang tiếp tục tiến hành 1 buổi thảo luận tại Tổ 18 đối với các Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi thảo luận này, các đại biểu U Huấn, Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã phát biểu 3 lượt với 10 ý kiến./.