banner
Thứ 4, ngày 16/10/2024
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
27-10-2023
Sáng ngày 27/10/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước và Tô Văn Tám đã cùng 26 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu ý kiến, tranh luận tham gia xây dựng luật.
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia  bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, đây là một dự án luật rất đột phá và thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh mới. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong giai đoạn hiện nay, lực lượng công an đã được tổ chức chính quy thành 4 cấp, từ cấp bộ đến cấp xã để phòng ngừa và xử lý những vấn đề an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Tuy nhiên, do biên chế ấn định rất hạn chế và ít được bổ sung. Cho đến nay, dù các địa phương từ thành thị đông dân cư hay ở miền núi rộng lớn thì ở mỗi xã chỉ bố trí tối thiểu là 5 đồng chí và tối đa 9 đồng chí, đối với các đô thị lớn thì có thể nhiều hơn. Do đó, nếu dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thông qua sẽ huy động được thêm nguồn lực để hỗ trợ lực lượng công an trong công cuộc giữ gìn an ninh, trật tự và quan trọng nhất là để tiếp tục sử dụng hiệu quả những đồng chí đã có kinh nghiệm tham gia vào các vị trí như công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng. Ở Tây Nguyên, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và còn rất nhiều khó khăn thì một tỷ lệ rất lớn các đồng chí tham gia vào lực lượng này là những người con sinh ra, lớn lên và gắn bó sâu sắc với mảnh đất này, hiểu rất rõ về con người, địa bàn, phong tục tập quán và tiếng nói của dân tộc mình nên sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc hỗ trợ lực lượng công an chính quy làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự và số tiền hỗ trợ cho lực lượng này có thể không cao so với các tỉnh thành lớn nhưng là nguồn động viên rất to lớn và rất quan trọng, cần thiết cho cuộc sống của họ.

ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu thảo luận

Hiện nay, trên cả nước thì các lực lượng chức danh tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong quá trình hoạt động, trong đó vấn đề trước mắt đó là thiếu cơ sở pháp lý cho việc quy định cụ thể về các nhiệm vụ mà lực lượng công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự sau khi bố trí công an chính quy về cơ sở. Các lực lượng chức danh công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố; đội trưởng, đội phó dân phòng còn có sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ. Việc đảm bảo các điều kiện về trang bị, huấn luyện, chế độ chính sách còn nhiều khó khăn, bất cập. Những hạn chế và tồn tại này cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh an ninh quốc gia đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức mới.

Dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định. Đặc biệt, cũng đã phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và lấy ý kiến của các địa phương để tổ chức đánh giá chế độ chính sách, kinh phí và nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện theo quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua đó khẳng định rõ rằng, việc ban hành luật sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về kinh phí, bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay của các địa phương. Các lực lượng chính danh khi được kiện toàn lại thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đều là những đồng chí đã có uy tín và tâm huyết với công việc, đã có nhiều đóng góp và hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các đồng chí ấy xứng đáng được Nhà nước và xã hội tôn vinh, bảo vệ và đảm bảo chế độ, chính sách phù hợp với vai trò và nhiệm vụ của mình. Đây cũng là mục tiêu quan trọng và rất nhân văn mà Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang hướng tới;...

Đại biểu Tô Văn Tám đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội và tham gia 5 ý kiến về tính chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; đề nghị bổ sung thêm đối tượng những người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần; quy định về lực lượng tình nguyện khi tham gia vào hoạt động an ninh, trật tự ở cơ sở;..

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở vào chiều ngày 27/11/2023./.

 

Hồ Nam, VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm một số vấn đề về kinh tế-xã hội của đất nước
Icon Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia các dự án luật
Icon Một số kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công trình thuỷ điện Đăk Đrinh
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh TXCT trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại thị trấn Đăk Glei
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh TXCT trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại xã Tu Mơ Rông và Ya Xiêr
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh TXCT trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại thị trấn Măng Đen và phường Quyết Thắng
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE