Tham dự buổi làm việc có các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh và đại diện lãnh đạo, quản lý của các sở, ngành có liên quan (Tư pháp, Giao thông vận tải, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum, Ngân hành Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum và Công an tỉnh).
Các đại biểu dự Hội nghị thống nhất với việc xây dựng và dự kiến sẽ được Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV xem xét thông qua 09 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Và 08 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung tham gia một số dự án luật như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...
Đại biểu tham gia ý kiến các dự án luật. Ảnh: VM
Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu cho rằng quy định thời gian "vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày" (tại khoản d, Điều 87 dự thảo luật) là quá ít và đề xuất là 30 ngày; về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (tại Điều 138), đại biểu đề xuất chọn phương án 2 để người dân được hợp thức hóa giấy tờ về đất đai.
Đối với Luật Đường bộ, tại Điều 40 về hoạt động quản lý, vận hành, khai thác sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 01 khoản: "Việc sử dụng tạm thời một phần lòng, hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông do UBND cấp tỉnh quy định đối với hệ thống đường địa phương nhưng phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn".
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (tại Điều 14), đại biểu đề nghị quy định theo từng loại xã tương đương với số lượng người cụ thể để UBND cấp tỉnh có cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định...
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu quan tâm đến tiền đặt cọc, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, hủy kết quả đấu giá và người được miễn đào tạo nghề đấu giá. Đối với người được miễn đào tạo nghề đấu giá thì cần phân tích kỹ đối tượng được miễn đào tạo nghề này trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề...
Đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu quan tâm về các chế độ BHXH, chính sách của Nhà nước đối với BHXH; hành vi bị nghiêm cấm… Trong đó, đại biểu nhấn mạnh đến đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện tại điểm a khoản 1 Điều 3 dự thảo. Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "thu nhập từ công việc theo thỏa thuận đó...) và từ "thời gian" thay cho từ "hợp đồng" trong cụm từ: "...sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ thời gian hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động”, vì thực tiễn phát sinh nhiều loại hợp đồng hoặc thỏa thuận, giao kết giữa cá nhân, tổ chức hoặc các cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, công việc theo thỏa thuận (ngoài hợp đồng lao động) và có hưởng tiền lương, tiền công, thù lao hoặc thu nhập thường xuyên như người lao động làm việc trên nền tảng công nghệ (taxi công nghệ, hướng dẫn viên du lịch, đại lý chuyên nghiệp, người nhận giao, khoán…). Tại cuối khoản 6 Điều 3, đề nghị bổ sung nội dung: "Giao Chính phủ quy định mức đóng, phương thức đóng BHXH bắt buộc phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ", vì Chính phủ quy định nội dung trên sẽ đảm bảo đáp ứng kịp thời với sự biến đổi của quan hệ lao động trong thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh ghi nhận ý kiến tham gia của các đại biểu. Qua đó, đồng chí đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu các dự án luật dự kiến trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu, đồng thời tiếp tục gửi ý kiến tham gia về Đoàn ĐBQH tỉnh để nghiên cứu, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành liên quan.