Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở: Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; lãnh đạo UBND và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện Kon Plông; lãnh đạo UBND xã Đăk Nên và đại diện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, Dự án thủy điện Đăk Đrinh nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng năm 2007 (gồm 2 tổ máy với công suất lắp máy 125MW). Dự án thành phần di dân, tái định cư, tái định canh nằm trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Kon Tum là chủ đầu tư (UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện Kon Plông làm chủ đầu tư), đã thực hiện di dân từ tháng 8/2013 với số hộ đã di dời đến khu tái định cư nơi ở mới là 192 hộ, với 843 khẩu (thuộc các thôn: Đăk Tiêu; Đăk Púk; Vương; Xô Luông; Xô Thác; Đăk Lai của xã Đăk Nên) đến khu tái định cư nơi ở mới.
Dự án thủy điện Đăk Đrinh đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư, định canh với tổng mức đầu tư 378,259 tỷ đồng. Mỗi khu tái định cư, định canh được đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng đáp ứng đầy đủ nhu cầu đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh khảo sát khi tái định cư thôn Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông. Ảnh: VM
Hơn 10 năm thực hiện, thủy điện Đăk Đrinh đã phát điện, bình quân mỗi năm thu khoảng 500-540 tỷ đồng. Tuy vậy, về vấn đề bồi thường, di dân, tái định cư còn khoảng 33,286 tỷ là tiền chi phí tăng chưa có chủ trương thống nhất của cấp có thẩm quyền; phần kinh phí đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 27,8 tỷ đồng đến nay Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh chưa chuyển kinh phí để thực hiện chi trả cho người dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất để bố trí đất tái định canh - tái định cư; công trình tuyến Đường tránh ngập lòng hồ (nhánh 1) đi thôn Đăk Tiêu và Đăk Bút là công trình cấp III, có chiều dài 8,334 km, do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay đã gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành và hiện có một số hạng mục xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn về giao thông, lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân trong khu vực... và hiện đã có 50 hộ/192 hộ tái định cư (trong đó, thôn Xô Luông có 26 hộ; thôn Vương có 24 hộ) quay về nơi làng cũ; một số ngôi nhà tái định cư không có người ở và bảo quản nên đã xuống cấp.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh khảo sát khu tái định cư thôn Vương, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông. Ảnh: VM
Qua khảo sát trực tiếp và nghe các ý kiến phát biểu của chính quyền địa phương, của các sở có liên quan, của đại diện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Phạm Đình Thanh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương, của các đơn vị liên quan trong công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư, tái định canh để bảo đảm tiến độ xây dựng và phát điện của dự án. Đồng chí cho rằng những tồn tại của dự án để quá dài (10 năm chưa giải quyết xong) đã ảnh hưởng đến người dân, trong đó đã có 50/192 hộ tái định cư quay về làng cũ; do giải quyết chưa dứt điểm tiền bồi thường, hỗ trợ do bị thu hồi đất để bố trí đất tái định canh - tái định cư nên một số hộ dân đã đòi lại đất dẫn đến tranh chấp đất đai; một số đoạn Đường tránh ngập lòng hồ (nhánh 1) đi thôn Đăk Tiêu và Đăk Bút đã hư hỏng, có chỗ trầm trọng, không bảo đảm cho việc đi lại của người dân... Qua đó, đồng chí đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan phối hợp, tổng hợp đầy đủ để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; trước mắt phải khẩn trương hoàn thành Đường tránh ngập lòng hồ (nhánh 1) để người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản được thuận lợi.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh khảo sát khu tái định cư thôn Vương, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông. Ảnh: VM